40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận; trong đó, 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay có […]

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận; trong đó, 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Đến nay có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Minh họa TL

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập, trong đó Thủ tướng Chính phủ thành lập 3 khu: Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu.

Ngoài ra, theo quy hoạch tại Quyết định 575/2015/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp UDCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 8 khu nông nghiệp UDCNC đang được khẩn trương thực hiện.

Cụ thể, 3 khu ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động với một số mô hình khá hiệu quả; khu nông nghiệp UDCNC Lâm Đồng đã được Bộ tổ chức thẩm định hồ sơ, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; 4 khu thuộc các địa phương: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ đã xây dựng đề án, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến góp ý của bộ ngành, gửi địa phương hoàn thiện hồ sơ đề án trước khi tổ chức thẩm định.

Về vùng nông nghiệp UDCNC đã có 5 vùng nông nghiệp UDCNC thâm canh tôm, hoa, lúa được 4 địa phương công nhận gồm Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tuy số lượng vùng nông nghiệp UDCNC còn hạn chế, nhưng từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành, đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển UDCNC trong nông nghiệp từ các doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời, được thực hiện lồng ghép trong các nhiệm vụ phát triển ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, chương trình khoa học công nghệ cấp bộ, cấp nhà nước.

Hàng năm, một số tập đoàn, công ty, hợp tác xã đã liên kết với nông dân, UDCNC trong nông nghiệp để sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp UDCNC, nông nghiệp sạch, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 5/2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp UDCNC, nông nghiệp sạch ước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3- 6,5%/năm, cho vay trung, dài hạn khoảng 8,5-10%/năm./.