Bỏ lương nghìn đô, trai phố lên rừng nuôi…giun vẫn thành tỷ phú

Nuôi giun để bán, làm giàu đặc biệt là nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch… là mô hình kinh tế hiệu quả đang được nông dân Bùi Sỹ Tuyến, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) làm giàu với thu nhập trung bình khoảng 350-500 triệu đồng/năm. Kỹ sư thôi việc, bỏ […]

Nuôi giun để bán, làm giàu đặc biệt là nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch… là mô hình kinh tế hiệu quả đang được nông dân Bùi Sỹ Tuyến, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) làm giàu với thu nhập trung bình khoảng 350-500 triệu đồng/năm.

Kỹ sư thôi việc, bỏ phố, lên rừng… nuôi giun!

Phải hẹn tới 3-4 lần “như đinh đóng cột” chúng tôi mới gặp được anh Bùi Sỹ Tuyến (SN 1979), chủ trang trại nuôi giun quế tại tổ 24, khu 2B, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Đến trang trại của anh Tuyến vào cuối giờ chiều, khi ánh nắng đã nhạt bớt. Đường vào khu 2B đi qua cả khu vực khai trường công ty than Đông Bắc, men theo con đường gập ghềnh vào sát núi.

Giun quế nhỏ nhưng có vai trò tuyệt vời trong nông nghiệp sạch.

Đi hết đoạn đường gồ ghề, chúng tôi rẽ vào ngõ nhỏ xanh mướt hàng cây là tới trang trại. Bước vào khu trang trại rộng, thấp thoáng bóng dáng người đàn ông với hai ống quần xắn cao đến đầu gối, cả người đầm đìa mồ hôi, đôi tay vẫn đang thoăn thoắt làm việc. Gạt mồ hôi trên trán, anh Tuyến vui vẻ cho biết phải đi giao hàng cho khách từ sáng tới giờ. Nghề này như con mọn.

“Hàng” mà anh Tuyến đang nói tới, chính là phân giun quế. Anh dẫn chúng tôi đi thăm, vừa chỉ 5 luống dài được xây bao quanh cẩn thận bằng gạch xỉ. Mỗi luống dài chừng trên 20m, rộng trên 1m, tổng diện tích khoảng 300m2, nằm gọn trong trang trại rộng lớn. Thế mà những luống này hàng tháng cung cấp ra thị trường và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Tuyến vừa bốc những nắm đất đen lẫn nhưng con giun nhỏ, to chừng 3-4 que tăm, vừa kể: “Trông vậy thôi mà thần kỳ lắm, giống giun quế này vốn là vật nuôi ngoại nhập. Loài động vật nhỏ bé này được coi là “máy xử lý rác” trong nông nghiệp nhờ những tác dụng tuyệt vời mà nó đem lại. Chúng có thể xử lý triệt để các chất thải hữu cơ từ nông nghiệp như: Rau, củ, quả thối, khử mùi hôi chuồng trại, nước ao bẩn… Bản thân giun là nguồn thức ăn tuyệt vời giàu dinh dưỡng, cải thiện sức sống của vật nuôi như: Cá, gà, ngan, ngỗng… mà còn chế biến đất sống thành nguồn phân hữu cơ, đem lại cho tôi nguồn thu nhập khoảng nửa tỷ  mỗi năm”.

Anh Tuyến phủ lưới đen và phun nước làm mát cho các luống giun quế.

Câu chuyện của người đàn ông “chân đất” ấy cứ thu hút sự tò mò, làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội danh giá, chàng kỹ sư Tuyến có được công việc mơ ước, làm giám sát cho dự án vệ sinh môi trường của Úc ở phía Nam. Với mức lương từ 1.000-1.500 USD, môi trường làm việc và thu nhập ổn định như thế là mơ ước của biết bao bạn bè cùng lứa. Anh còn mở cho mình một công ty xây dựng riêng, làm công trình. Thế nhưng anh đã rời bỏ tất cả về khu vực rừng núi, để… nuôi giun quế.

Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, anh ra vòi rửa tay, hồ hởi dẫn tôi tham quan một vòng rồi mời vào nhà trò chuyện. Câu chuyện bên chén chè khiến tôi vô cùng thắc mắc: Tại sao anh lại bỏ ngang công việc ngành xây dựng đang thịnh hành, ký bạc tỷ mà về chốn rừng núi này lập nghiệp?. Nhấp chén chè, anh mỉm cười: Quả thật vậy, nghĩ lại thời kỳ đó cũng rất rực rỡ của cánh xây dựng chúng tôi. Nhưng ngành xây dựng cũng có giai đọan của nó. Dự án đầu tư thì lớn nhưng lãi không bao nhiêu thậm chí còn “đọng” vốn. Mong ước quay về quê nhà lập nghiệp, sự can đảm, ý chí “dám nghĩ dám làm” và một chút “liều” thì mới dám mạnh dạn đầu tư xây dựng một mô hình kinh tế mà bản thân không có thế mạnh”.

Thế nhưng, trong mắt không ít người lúc đó cho rằng anh Tuyến gàn dở!. Bởi anh đã bỏ ngang một công việc tốt. Vì sao anh còn bỏ thành thị nhộn nhịp, tiện nghi về chốn rừng núi, chỉ để… nuôi giun? Năm 2013, khi nuôi giun, anh phải đi khắp nơi gom phân bò, phân gà… về ủ làm thức ăn nuôi giun. Sau đó anh còn lặn lội ra trang trại bò lớn nhất Tiên Yên, về tận tỉnh Thái Bình đặt mua phân bò, đóng vào 2 container mang ra Quảng Ninh… Thấy anh suốt ngày chỉ hì hụi với phân do, giun dế. Quả thật, lúc này nhiều người cho rằng có lẽ anh điên thật…!

Tỷ phú giun quế và ước mơ nông nghiệp sạch

Sau khoảng 5 năm làm trang trại, nhìn thành quả dần hiện lên trước mắt, anh Tuyến vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vất vả cùng người vợ tần tảo và những người cùng chí hướng đủ vị cay đắng, mặn, ngọt của nó.

“Cái tên giun quế chắc hẳn còn xa lạ với nhiều người. Bản thân tôi cũng chỉ biết vài năm trước. Nghề đến với mình có lẽ là do duyên. Sau thất bại với dự án xưởng cơ khí và vài vật nuôi khác, nhiều đêm tôi mất ngủ, trăn trở suy nghĩ. Và vô tình bắt được thông tin về chăn nuôi giun quế, một mô hình thành công ở Phú Thọ trên truyền hình. Với lợi thế từ diện tích đất đai sẵn có, không gian gần núi rừng mát mẻ, tôi mạnh dạn đầu tư và thành công cùng mô hình nuôi giun quế. Nói thì dễ nhưng tôi và đồng sự đã nếm đủ các cay đắng mặn, ngọt với giun quế rồi”, anh Tuyến nhớ lại.

Sau khi lên tận Phú Thọ học hỏi, bước đầu anh Tuyến thành công trong đưa giun thích nghi với môi trường mới ở vùng rừng núi này. “Nuôi giun cần chăm sóc cẩn thận, cho ăn, tưới ẩm. Đông hay hè phải tưới nước sạch giữ ẩm, có như thế giun phát triển rất nhanh. Thức ăn của giun quế chính yếu là phân bò và một số phế phẩm ủ. Giun tiêu hóa thức ăn rất là mạnh, nên một vài ngày là phải cho ăn một lớp thức ăn và chỉ sau 1-2 tháng sẽ cho thu hoạch giun và phân giun”, anh Tuyến hào hứng kể

Nuôi thành công giun quế, 2017 anh Tuyến bắt đầu xuất bán những bao phân giun đầu tiên ra thị trường. Tuy nhiên thời điểm này thị trường ở Quảng Ninh còn mới mẻ. Suốt năm dài đằng đẵng anh Tuyến cùng vợ dong duổi xe máy tới các điểm bán cây cảnh, các trang trại để chào hàng, giới thiệu…nhưng chỉ nhận được cái xua tay. Thời điểm đó người dân ở Hạ Long, Cẩm Phả và một số thành phố lớn còn chưa biết tới phân giun quế. Thế nên nắng nóng cũng như mưa dầm, 2 vợ chồng đều lặn lội… nhưng nhiều khi họ còn từ chối thẳng thừng. Không những không có thu nhập từ phân giun, anh đã phải để sản phẩm lại để người dân dùng thử… miễn phí.

Chuyên gia dự án JICA thăm trang trại nuôi gà Tiên Yên của anh Tuyến tháng 10/2018. Ảnh: Lê Tuyết

Suốt một năm dòng, không có doanh thu từ giun quế, số vốn anh tích lũy được cũng dần hao. Số tiền bù lỗ đã lên tới hơn 300 triệu đồng trong năm 2017. Những tưởng thất bại. Thật may mắn, sản phẩm để lại được nhiều người dùng thử đặc biệt là các nhà vườn, cửa hàng cây cảnh. Tới đầu năm 2018, anh Tuyến đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng từ các cửa hàng hoa, cây cảnh. Người dân bắt đầu dùng loại phân này để trồng rau sạch, cây cảnh rất hiệu quả.

Thế nhưng bước đầu xuôi, nhưng đuôi chưa thể lọt… Niềm vui chưa tày gang thì gặp nỗi lo nguyên liệu cho giun quế: Phân bò. Bởi lúc này nhu cầu tiêu thụ của khách hàng đã khá lớn. Trong khi nguồn thức ăn là đất cho giun quế từ phân bò và các phế phẩm nông nghiệp ngày càng khan hiếm. Lượng tiêu thụ bắt đầu tăng từ 1 tấn/tháng tăng lên 2-4 tấn/tháng. “Năm 2018, có thời điểm tôi đã phải nhập hàng chục tấn phân giun quế từ Thái Bình bán bằng giá 5000 đồng/kg… để giữ mối khách hàng. Nếu cứ tiếp diễn tình hình này trang trại giun quế có nguy cơ phá sản”

Không thể mãi phụ thuộc nguồn nguyên liệu mua hoặc đóng container tốn kém ngoại tỉnh về. Vốn có kiến thức từ khi làm các dự án môi trường của Úc trước đây, anh đã dày công nghiên cứu “thức ăn” thay thế cho giun quế. Mất gần 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm cuối cùng anh đã thành công trong tìm các loại nguyên vật liệu, phế phẩm nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày chế biến, ủ…để thay thế phân bò hiệu quả.

Thành công ngoài mong đợi, việc nuôi giun không còn phụ thuộc vào nguồn phân bò đắt đỏ, khan hiếm. Việc mở rộng quy mô nuôi trồng giun quế cũng dễ dàng, ít tốn kém hơn. Anh đầu tư thêm một hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại giun rộng 300m2, trồng thêm cây cối, rau quả bằng phân giun, mở rộng diện tích trang trại lên 8000m2. Năm 2018, anh còn sử dụng men vi sinh và các vật tư của chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch của Dự án JICA hỗ trợ cho Quảng Ninh để tăng cường chất lượng sản phẩm.

Anh Tuyến giới thiệu sản phẩm phân giun quế được đóng bao cẩn thận phục vụ nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Không chỉ bán phân giun, anh Tuyến còn sử dụng và chế biến giun quế thành nguồn thức ăn sạch giàu dinh dưỡng chăn nuôi đàn gà Tiên Yên 5000 con, cá, ngan; trồng rau sạch…Với giá thị trường, giun giống bán từ 10.000-20.000 đồng/kg, giun thịt 50.000-100.000 đồng/kg.

Giun giống nuôi chừng 1,5-2 tháng là có thể bán được, còn giun thịt và phân giun anh Tuyến có thể bán quanh năm. Thu nhập hàng tháng chỉ riêng phân giun quế đưa lại cho anh từ 35-50 triệu đồng. Nếu bán các sản phẩm khác của trang trại có thể cho thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm.

Với giá thành ổn định, 5.000 đồng/kg, trang trại anh đã xuất bán từ 7-10 tấn/tháng. Tiếng lành đồn xa, lượng khách hàng càng ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất. “Đó là giữa năm 2018, HTX trồng cam Cao Phong (Hòa Bình) còn đăng ký mua 100 tấn giun/năm. Thậm chí đoàn chuyên gia và doanh nghiệp của dự án JICA còn tham quan mô hình và đặt mua trung bình khoảng 2000 con gà/tháng, nuôi từ nguồn thức ăn chế biến từ giun quế…Thế nhưng tôi không dám nhận vì mình không thể đáp ứng đủ yêu cầu”.

Anh kể “Mình lấy phân gà, phân trâu, bò làm thức ăn cho giun, rồi lại lấy giun hoặc bột giun quế làm thức ăn cho gà. Do được ăn nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ, rẻ từ giun nên đàn gà thả vườn hay ăn chóng lớn lắm. Phân giun quế với đặc tính giữ nguyên được hệ vi sinh đa dạng giúp cải tạo các loại đất vườn, đồi cằn cỗi rất hiệu quả… Đây cũng là hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, hình thức nông nghiệp sạch mà các nước tiên tiến đã đi trước chúng ta từ lâu”.

“Tôi không hề giấu nghề, tôi mong muốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm nuôi trồng giun quế, làm tiền đề phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời cam kết thu mua lại các sản phẩm này để phân phối rộng rãi. Không chỉ là nông nghiệp sạch, các loại thực phẩm này còn đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng”, anh Tuyến bộc bạch tâm sự về dự định của mình.

 

Theo Tạ Quân (Báo Quảng Ninh)