Chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng – trỗ bông

Việc chăm sóc cây lúa thời kỳ từ làm đòng đến trổ bông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là thời kỳ hình thành số hạt/bông, nó quyết định trực tiếp đến năng suất lúa. Vì vậy việc bón phân đón đòng phù hợp cũng như việc quản lý, phòng trừ hữu […]

Việc chăm sóc cây lúa thời kỳ từ làm đòng đến trổ bông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là thời kỳ hình thành số hạt/bông, nó quyết định trực tiếp đến năng suất lúa. Vì vậy việc bón phân đón đòng phù hợp cũng như việc quản lý, phòng trừ hữu hiệu các đối tượng dịch hại ở giai đoạn này là rất cần thiết.

 

Trước hết chăm sóc để cây lúa có chồi khoẻ và đòng to, bà con cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:

Bón phân:

Xác định thời điểm bón phân đón đòng: Việc xác định bón phân đúng thời điểm là rất quan trọng giúp cho cây lúa gia tăng số hạt/bông. Thời gian bón đòng tuỳ thuộc vào thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và thời vụ gieo trồng.

Cách tính: Lấy thời gian sinh trưởng của từng giống lúa trừ 55 ngày ra số ngày chuẩn bị bón phân đón đòng, trước đó vài ngày cần thăm đồng thường xuyên, áp dụng kỹ thuật bón phân “không ngày” “không số”.

– Không ngày tức là không xác định trước ngày nào bón mà phải đi thăm đồng để xác định, có thể quan sát 1 số đặc điểm của cây lúa:

+ Quan sát màu lá lúa, trên ruộng lá lúa chuyển từ màu xanh sang màu vàng chanh.

+ Chóp lá lúa có thắt eo.

+ Chính xác nhất là bóc xem đòng, có thể xác định bằng cách bóc ngẫu nhiên 10 chồi chính xem nếu có khoảng 50% cây lúa có đòng dài 1-2mm, cây lúa một lóng rưỡi là thời điểm bón phân thích hợp.

– Không số tức là không xác định trước số lượng phân bón mà phải thăm đồng nhìn màu lá lúa, tùy vào từng giống lúa và chân đất sau đó mới quyết định lượng phân bón.

Lượng bón trung bình/sào (360m2): 2,5 – 3kg kali

Nếu thấy lá ngắn, bản lá dày, màu lá vàng hanh thì bổ sung thêm 1 – 1,5 kg đạm/sào.

Bón phân giai đoạn này cần bón phân cân đối và đủ lượng, tuyệt đối không bón thừa đạm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Giai đoạn này cây lúa đạt tối đa kích thước về thân, lá, rễ khả năng phát triển kém. Vì vậy, nếu bị sâu bệnh hại tấn công thì cây lúa sẽ không phục hồi bù đắp những thân lá do sâu bệnh gây ra như các giai đoạn trước đó, trong khi giai đoạn này cây lúa rất dễ mẫn cảm với sâu bệnh hại nên chúng ta phải hết sức đề phòng, đặc biệt là phải bảo vệ tốt lá đòng.

Điều tiết nước:

Kết hợp tưới xen kẽ để cho lúa đứng cây, có tính đàn hồi lớn, màu lá xanh vàng, giúp rễ ăn sâu.

Thời kỳ cây lúa làm đòng rất mẫn cảm với nước, thiếu nước lúa sẽ bị nghẹt đòng, trỗ bông không đều, hạt lép; do đó nên điều tiết nước hợp lý.

Phòng trừ sâu bệnh: Giai đoạn này chúng ta cần lưu ý một số đối tượng sâu, bệnh hại chính như: sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn,… Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

Đòng to, bông dài nhiều hạt là cả một quá trình canh tác chăm sóc hợp lý. Trong quá trình canh tác, việc chăm sóc cây lúa giai đoạn từ làm đòng – trổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó tạo đòng to, hạt mẩy, quản lý tốt các dịch hại, tiết giảm chi phí mà vẫn nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho bà con./.

 Hà Thúy Tuyển – Trạm Kn Chương Mỹ