Cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu SX, kèm theo các gói kỹ thuật thâm canh và liên kết SX theo chuỗi đang được tỉnh Nam Định đẩy mạnh tại các vùng lạc trọng điểm. Cánh đồng lạc lớn Với bộ thiết bị cơ giới liên hoàn gồm làm đất kết hợp lên […]

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu SX, kèm theo các gói kỹ thuật thâm canh và liên kết SX theo chuỗi đang được tỉnh Nam Định đẩy mạnh tại các vùng lạc trọng điểm.

Cánh đồng lạc lớn

Với bộ thiết bị cơ giới liên hoàn gồm làm đất kết hợp lên luống, gieo hạt và thu hoạch – tách củ bằng máy, vụ xuân 2018, mô hình cơ giới hóa cho cây lạc đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông phối hợp với Cty CP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam (VNASIC) và UBND huyện Ý Yên tổ chức mô hình thành công tại xã Yên Nhân (huyện Ý Yên) với tổng diện tích trên 15ha.

Trình diễn máy làm đất, kết hợp lên luống và gieo hạt lạc vụ xuân 2019 tại xã Liên Minh

Thông qua các khóa tập huấn, các thiết bị cơ giới đã được chuyển giao cho HTX Yên Nhân quản lí vận hành theo cơ chế dịch vụ. Theo tính toán, tổng chi phí dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ (từ làm đất, lên luống – gieo hạt, thu hoạch, tách củ) cho cây lạc mà nông dân phải trả cho HTX chỉ vào khoảng 450 – 500 nghìn đồng/sào/vụ, giảm từ 40 – 50% chi phí SX so với làm thủ công. Điều này đã khiến nông dân tại các vùng trồng lạc vô cùng phấn khởi hưởng ứng.

Tiếp đà thành công từ vùng lạc của huyện Ý Yên trong năm 2018, vụ xuân 2019, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông phối hợp với VNASIC và UBND huyện Vụ Bản đã tiếp tục mở rộng mô hình cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc với quy mô thí điểm 4ha tại xã Liên Minh.

Chứng kiến chiếc máy liên hoàn kết vừa làm đất, vừa lên luống, lại kết hợp cả gieo hạt chạy băng băng, thoáng cái đã xong cả mẫu ruộng, chị Trần Thị Hương, nông dân ở đội 3, xã Liên Minh không khỏi phấn khởi.

Chị Hương cho biết, vụ xuân 2019 gia đình thuê thêm ruộng làm hơn 5 sào lạc. Chỉ chừng đó diện tích thôi, nhưng vợ chồng chị phải quần quật cả tuần. Chị bảo lao động ở quê bây giờ thuê đi gieo lạc, tay không dính bùn, chân không phải lội ruộng, tiền công 200-250 nghìn/ngày cũng tìm mỏi mắt không ra.

“Gieo lạc bằng lên luống thủ công luống thì 4 hàng, luống 5-6 hàng, trong khi gieo bằng máy đều tăm tắp nên năng suất chắc chắn sẽ cao hơn. Nếu cơ giới hóa được cả khâu thu hoạch, tách củ thì bà con gần như không còn phải đụng chân tay đáng kể nữa, mà mỗi vụ cũng có thể thuê, mượn hàng mẫu, thậm chí hàng hecta để trồng lạc khỏe re, chứ không phải mỗi nhà chỉ có 3-4 sào như bây giờ”, chị Hương hồ hởi.

Đã thế, giá lạc lại trồi sụt, năm 2018 chỉ có 18 nghìn đồng/kg, mỗi sào lạc phơi khô tốt lắm cũng chỉ được 1,5 tạ, tổng thu chỉ khoảng trên 2.500 nghìn đồng, nếu không trực tiếp “lấy công làm lãi” thì chả còn lời được bao nhiêu. Vì thế mà nhiều diện tích trồng lạc trước đây, dân đã bỏ vãn.

Gia tăng giá trị

Cùng với diện tích SX mô hình trình diễn cho nông dân tại xã Liên Minh, vụ xuân 2019, VNASIC phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Vôi (huyện Vụ Bản) cũng đã tiến hành thuê đất, khai hoang, đưa vào SX tập trung bằng 100% cơ giới hóa trên diện tích hơn 3ha, vốn là các diện tích ruộng do nông dân bỏ hoang, không SX từ lâu.

Ông Đỗ Hồng Quân, Giám đốc VNASIC cho biết, đây là mô hình để nông dân tại các xã trồng lạc trọng điểm của huyện Vụ Bản tham quan, qua đó kỳ vọng có thể tạo ra được một phong trào “hồi sinh” đối với các diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều.

Để bà con phấn khởi và yên tâm tham gia SX, từ vụ xuân 2019, Cty đã cam kết sẽ phối hợp với đối tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch nếu nông dân có nhu cầu bán. Đồng thời, hỗ trợ cung ứng với giá tận gốc các vật tư phân bón, giống đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn thị trường 5% cho nông dân…

Bên cạnh đó, Cty cũng đang đàm phán với một DN Nhật Bản để tận dụng thu mua thân lạc sau thu hoạch cho nông dân với giá cao (với điều kiện nông dân không được phun thuốc trừ cỏ)… Cùng với cơ giới hóa 100% để giảm từ 30-50% chi phí SX, giảm 5-10% chi phí vật tư đầu vào, tăng 15-20 năng suất so với trồng lạc thủ công. Đó là những giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng cho cây lạc.

 
Mỗi ngày, máy cơ giới có thể vừa phay đất, lên luống và gieo được khoảng 2ha lạc, tương đương 20 người làm thủ công

Ông Quân khẳng định thêm, hiện các thiết bị máy móc cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc từ làm đất, bón lót, lên luống – gieo hạt, phủ ni-lon, làm cỏ, phun thuốc BVTV, tưới, thu hoạch, bứt củ, sấy đều đã chủ động được công nghệ SX trong nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay để đưa cơ giới hóa đồng bộ cho cây lạc, đó vẫn là làm sao các tổ chức chính quyền, đoàn thể phải đồng lòng vào cuộc, vận động được nông dân bỏ bờ vùng bờ thửa (vẫn giữ nguyên hiện trạng đất, chỉ cắm mốc giới ruộng từng hộ), tạo được thành cánh đồng lớn để thuận tiện cho việc đưa máy cơ giới lớn vào vận hành.

Về vấn đề này, ông Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết, huyện đang rất rốt ráo triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó lạc là một trong những cây trồng chủ lực. Theo đó, huyện sẽ có riêng một đề án riêng để đưa nhanh cơ giới hóa đồng bộ “từ A đến Z” cho cây lạc, đồng thời rà soát toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong huyện để có cơ chế dồn đổi đối với các diện tích nông dân không có nhu cầu sử dụng, tạo quỹ đất tập trung SX quy mô lớn.

“Mục tiêu của huyện là sẽ tạo chuỗi SX khép kín cho cây lạc từ SX tới thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Làm sao Vụ Bản phải là một trung tâm SX, dịch vụ lớn của vùng ĐBSH về SX, chế biến và XK lạc”, ông Mậu cho biết.
LÊ BỀN
Nguồn: NNVN