Mô hình nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao

Nhờ áp dụng công nghệ quản lý hiện đại trong quá trình nuôi tôm càng xanh đã làm thay đổi thói quen nuôi trồng theo kiểu truyền thống, giúp tôm nuôi lớn nhanh, tăng kích cỡ, đẹp về màu sắc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.    Tôm càng xanh mang lại hiệu […]

Nhờ áp dụng công nghệ quản lý hiện đại trong quá trình nuôi tôm càng xanh đã làm thay đổi thói quen nuôi trồng theo kiểu truyền thống, giúp tôm nuôi lớn nhanh, tăng kích cỡ, đẹp về màu sắc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  

Tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, An Giang là nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước ta, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TP. Long Xuyên. Đây được xem là vùng nuôi tôm càng xanh phù hợp điều kiện nguồn nước, khí hậu lại rất thuận lợi phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh với cây lúa ứng dụng công nghệ cao.

Hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi tôm càng xanh

Mô hình nuôi tôm càng xanh ở An Giang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Văng Công Hữu trú tại xã Phú Thuận là một trong những hộ dân thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh cho biết: Khi được Trung tâm Giống thủy sản An Giang hỗ trợ tài chính – kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh, ông đã đầu tư thả nuôi giống tôm càng xanh đực trên diện tích 5 héc-ta. Sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 1,4 tấn/héc-ta, sau khi trừ hết chi phí sản xuất (khoảng từ 120 – 130 triệu đồng/héc-ta) ông Hữu thu lãi từ 70 – 80 triệu đồng/héc-ta.

Người dân thu hoạch tôm càng xanh

Ông Trần Văn Săn cũng cho biết thêm: Gia đình ông đã thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 35.000m2 với mật độ thả 6 con/m2 và số lượng giống thả nuôi là 200.000 con, cũng sau 6 tháng thả nuôi, gia đình ông thu lãi 35 triệu đồng.

Định hướng phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhờ thành công mô hình nuôi tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap, An Giang trở thành vùng nuôi tôm chuyên canh lớn nhất cả nước. Bên cạnh việc phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh thì việc mở rộng mô hình nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP còn phù hợp với yêu cầu cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với việc ổn định diện tích nuôi tôm trên ruộng luân canh với cây lúa, sẽ đầu tư phát triển thêm mô hình nuôi tôm trong ao đất, ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thương phẩm đảm bảo an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời gắn kết người nuôi trồng với các doanh nghiệp chế biến thủy sản theo hình thức chuỗi liên kết như nuôi liên kết hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Như vậy sẽ tạo niềm tin cho người nuôi trồng cũng như người tiêu dùng.

Tôm càng xanh phát triển đồng đều, ít bệnh, nuôi từ 4-6 tháng là thu hoạch

Với việc áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm càng xanh An Giang mang thương hiệu VietGAP đã được các doanh nghiệp  bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.

Duyên Hoàng