Nông dân lại ùn ùn nuôi ba ba vì thương lái lùng mua cả con còn bé

Hiện nay, thị trường tiêu thụ ba ba đã có phần sôi động trở lại. Thay vì chỉ mua con 1,2-1,4kg như trước đây, nay thương lái mua cả ba ba loại nhỏ từ 5 lạng trở lên. Đó là một trong những lý do mà nhiều hộ ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản […]

Hiện nay, thị trường tiêu thụ ba ba đã có phần sôi động trở lại. Thay vì chỉ mua con 1,2-1,4kg như trước đây, nay thương lái mua cả ba ba loại nhỏ từ 5 lạng trở lên. Đó là một trong những lý do mà nhiều hộ ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đang quay trở lại nuôi ba ba.

Ông Lê Văn Long – thành viên Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi thủy sản xã Tân Hiệp, có trên 10 năm nuôi ba ba. Chỉ vào ngôi nhà khang trang, rộng rãi xây năm 2010, ông Long phấn khởi nói: “Nhờ nuôi ba ba mà tôi xây được nhà ở. Với giá 340 ngàn đồng/kg, năm rồi tôi xuất bán 2 lần hơn 70 con ba ba được 36 triệu đồng”.

Khu vực nuôi được ông Long chia thành nhiều bể, gồm: bể sinh sản, thương phẩm và bể ương con giống. Trứng ba ba ông xếp vào nhiều thùng xốp bên trong có cát và nước, độ ẩm chừng 60% để ấp trứng. Thức ăn chính của ba ba là cá, thỉnh thoảng bổ sung cám. Do sống ven sông Sài Gòn bằng nghề chài lưới đã nhiều năm nên ông Long chủ động được nguồn thức ăn cho ba ba, đánh bắt cá lấy công làm lời, qua đó chi phí nuôi ba ba giảm đáng kể.

100 con ba ba loại 400g/con mỗi ngày ăn khoảng 5kg cá vụn với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Trước đây, thương lái chỉ mua ba ba loại lớn nên thời gian nuôi dài. Một số hộ thiếu vốn bởi phải mất hơn 1,5 năm nuôi ba ba đạt trọng lượng 1,2-1,4kg mới có thể xuất bán, trong khi nuôi đến 2 năm ba ba mới đẻ, đến lúc nở con lại hao hụt do chết nhiều.

Số hộ mới nuôi phần do thiếu kỹ thuật nuôi ba ba, kinh nghiệm nuôi ba ba, phần do nắng hạn khó chủ động nguồn thức ăn nên rất khó khăn. Thêm vào đó, ba ba đòi hỏi sau 4 tháng phải phân loại theo trọng lượng và đực, cái, để tránh chúng tranh giành thức ăn và cắn nhau dẫn đến bệnh ghẻ lở, nhiễm trùng, trong khi sống ở môi trường nước, có bèo nên rất khó trị bệnh. Vì vậy, nhiều hộ nản đã bỏ nuôi.

Hiện nay, thương lái mua ba ba kể cả loại nhỏ tầm 0,5kg trở lên. Với trọng lượng này, thời gian nuôi ngắn, chi phí chăm sóc ít, người nuôi có thể xuất bán sớm, phù hợp những hộ ít vốn, lại hạn chế hao hụt. Từ chỉ vỏn vẹn 2 hộ cách đây hơn 2 năm, nay xã Tân Hiệp tăng lên khoảng 12 hộ nuôi.

Hộ nuôi quy mô lớn trên 1.000 con ba ba thương phẩm, ít nhất 500 con. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ nhiệm CLB chăn nuôi thủy sản Tân Hiệp cho biết: “Dù được tập huấn về kỹ thuật nuôi ba ba nhưng nông hộ ở đây chủ yếu áp dụng theo kinh nghiệm nuôi ba ba. Năm 2003, xã Tân Hiệp có khoảng 32 hộ nuôi ba ba, 6 năm nay người nuôi bỏ nghề dần. Hiện nay, do nhiều người quay trở lại nuôi ba ba nên con giống rất khan hiếm, trong CLB không đủ nguồn cung con giống cho bạn hàng ở Tây Ninh và các vùng lân cận”.

Ba ba hiện nay được chia làm nhiều loại, trong đó loại 1 từ 1,4-1,6kg giá bán 340 ngàn đồng/kg; loại 2 từ 1-1,4kg và trên 1,7kg có giá 240 ngàn đồng/kg. Loại 3 từ 7 lạng đến 1kg là loại được thị trường ưa chuộng có giá 120 ngàn đồng/kg.

Việc đầu ra ba ba hiện nay dễ dàng là tín hiệu đáng mừng đối với người nuôi. Tuy nhiên để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, đòi hỏi người nuôi ba ba xã Tân Hiệp phải chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật; đồng thời cần được tư vấn, định hướng phát triển một cách bền vững theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ, tránh tình trạng phát triển ồ ạt.

Theo Thanh Mai (Báo Bình Phước)