Nông sản ngày càng khó vào EU

Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường bảo hộ hàng nông sản thông qua tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, gây áp lực không nhỏ cho nông sản Việt Nam.   Một vườn tiêu ở Phú Quốc. Ảnh: Minh Duy Liên […]

Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường bảo hộ hàng nông sản thông qua tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, gây áp lực không nhỏ cho nông sản Việt Nam.
 
Một vườn tiêu ở Phú Quốc. Ảnh: Minh Duy

Liên tục rà soát và thay đổi
EU vừa thông báo sửa đổi phụ lục II, III, IV trong Quy định số 396/2005 của EU liên quan đến quy định dư lượng tối đa các loại hóa chất như chlorantraniliprole, clomazone, cyclaniliprole, fenazaquin… trên một số sản phẩm như rau, quả và thực phẩm.
Những thay đổi này, theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Môi trường, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sẽ ảnh hưởng tới một số loại nông sản mà Việt Nam xuất sang EU. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, tiêu, điều, gạo, thanh long, và một số ít loại rau gia vị khác.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho thấy, một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang EU như tiêu, điều, cà phê đều có kim ngạch xuất khẩu giảm trong tháng 2. Ví dụ, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu tháng 2-2019 ước đạt 12.000 tấn, với giá trị đạt 35 triệu đô la Mỹ, giảm tới hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đây là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,71 tỉ đô la, giảm 10,1%.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, song cũng là thị trường có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… Dù lần thay đổi này tác động không quá lớn đối với các mặt hàng nông sản chủ lực mà Việt Nam xuất sang EU, nhưng theo đánh giá của ông Giang, các quy định pháp lý liên quan tới hàng rào kỹ thuật liên tục được EU “rà soát” và “điều chỉnh”.

Hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ gồm tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn chưa mấy quan tâm tới sự thay đổi khá “thường xuyên” này của EU, đặc biệt trong bối cảnh đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo quan sát của ông Giang, ngành nông sản Việt Nam ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu của EU, khiến cơ quan chức năng của khối này để ý.
“Cái khó của doanh nghiệp nông sản hiện nay là làm thế nào cập nhật những thay đổi từ phía EU, từ đó kiểm soát và đáp ứng được chất lượng nông sản xuất khẩu sang khu vực này”, ông Giang nói.
Lo ngại quy tắc xuất xứ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tại diễn đàn về xuất khẩu nông sản mới đây, đã khẳng định thực tế các quốc gia đang tăng cường bảo hộ hàng nông sản thông qua tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, trong đó có EU. Từ góc độ chuyên ngành, ông Giang khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm chắc những thay đổi này từ EU thông qua trang web của Cao ủy thực phẩm của EU.
Ông Giang cho biết thêm, trang web của Cục Bảo vệ thực vật cũng thường xuyên cập nhật những thay đổi tại các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu nông sản, do đó các doanh nghiệp làm ăn với thị trường EU cần liên tục cập nhật để chủ động kế hoạch kinh doanh.
Áp lực đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng hàng nông sản sẽ lớn hơn nữa khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được phía EU thông qua. Dù EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU thông qua việc dỡ bỏ rào cản thuế quan, chuyên gia kinh tế Phạm Thị Dự, Đại học Thương mại, cho rằng việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo bà Dự, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối có FTA với Việt Nam. Ví dụ hạt điều, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, được nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, chiếm 63% nhu cầu chế biến. Hiện nay, EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ với hạt điều khi xem công đoạn gia công, bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn. Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, ngành điều nhân của Việt Nam phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước.
Trong khi đó, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam hai tháng đầu năm 2019 đã giảm cả về khối lượng và giá trị khi đạt 44.000 tấn và 365 triệu đô la Mỹ, giảm lần lượt 3,1% và 22,3% so với cùng kỳ năm 2018. Các chuyên gia cho rằng ngành điều Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản lượng sản xuất nội địa. Để giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới, ngành điều cần tập trung cải thiện năng suất và chất lượng, từ đó tìm kiếm cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Để ứng phó với tình trạng các quốc gia tăng cường dựng các hàng rào bảo hộ, một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ NN&PTNT thực hiện năm 2019 là xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, bộ này cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam trên cả thị trường trong nước và quốc tế.