Sản lượng hồ tiêu Bình Phước ngược đà tăng diện tích

Từ năm 2016 đến nay, diện tích hồ tiêu của Bình Phước đã tăng thêm hơn 700 ha, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, mưa nhiều và dịch bệnh khiến sản lượng hồ tiêu sụt giảm hơn 40% so với năm 2017. Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, do các năm trước giá hồ […]

Từ năm 2016 đến nay, diện tích hồ tiêu của Bình Phước đã tăng thêm hơn 700 ha, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, mưa nhiều và dịch bệnh khiến sản lượng hồ tiêu sụt giảm hơn 40% so với năm 2017.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, do các năm trước giá hồ tiêu tăng cao nên nông dân ồ ạt trồng tiêu khiến diện tích loại cây trồng này tăng nhanh, từ 16.452 ha năm 2016 lên 17.178ha hiện nay (tăng 726 ha); đứng thứ 3 cả nước sau Đăk Lăk, Đăk Nông.

Năm 2016, năng suất tiêu Bình Phước đạt 28 tạ. Niên vụ 2016 – 2017, sản lượng tiêu Bình Phước 33.676 tấn. Tuy nhiên sản lượng tiêu vụ 2017 – 2018 chỉ còn 18.736 tấn; giảm hơn 40% so với năm 2017.

Theo ông Nguyễn Bá Thịnh, nông dân trồng tiêu ở huyện Lộc Ninh, từ cuối năm 2016 đến nay, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên trên diện rộng đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng ra bông của hồ tiêu, đặc biệt là giống tiêu Vĩnh Linh. Toàn tỉnh hiện trồng khoảng 70% giống tiêu Vĩnh Linh, còn lại là các giống Ấn Độ, tiêu trung, tiêu sẻ…

Theo theo ông Thịnh, tổng chi phí trồng tiêu tốn khoảng 145 triệu đồng/ha; cho năng suất bình quân 2,8 tấn/ha. Như vậy, giá thành sản xuất 1kg tiêu khoảng 52.000 đồng, chưa tính khấu hao giai đoạn kiến thiết cơ bản. Hiện, giá tiêu giảm mạnh, dao động từ 55.000 – 58.000 đồng/kg cũng là nguyên nhân khiến nông dân ít chăm sóc và đầu tư làm sâu bệnh phát triển mạnh.

Giá tiêu giảm mạnh nên nông dân ít chăm sóc và đầu tư làm sâu bệnh phát triển mạnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ đầu năm 2018, toàn tỉnh Bình Phước có hơn 570 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, làm sản lượng tiêu giảm đáng kể, tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Hớn Quản.

Tình trạng tiêu nhiễm bệnh cũng tương tự ở tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, đến nay đã trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn, hơn 2.600 ha bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm.

Hiện tượng tiêu chết hàng loạt trên diện rộng chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng trở lại đây khi mùa mưa bắt đầu kết thúc. Dự báo thời gian tới diện tích hồ tiêu chết sẽ tiếp tục tăng lên, gây hậu quả nặng nề cho nông dân và ngành nông nghiệp địa phương.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Nông, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo phong trào của nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh bùng phát.

Ông Yên đánh giá, hiện nay, hồ tiêu vẫn là cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây khác ở địa phương nhưng mức đầu tư lớn và rủi ro rất cao. Năm nay, nông dân trồng tiêu bị thiệt kép do bệnh hại lại gặp giá cả đang xuống thấp.

Người trồng tiêu mong chính quyền, ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Thịnh, trong tình cảnh hiện nay, người trồng tiêu rất mong muốn UBND tỉnh phối hợp các ngân hàng giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay vốn đối với các hộ vay chăm sóc vườn tiêu; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng phân bón.

Tại hội thảo khoa học tìm Giải pháp phát triển bền vững hồ tiêu trên địa bàn Bình Phước mới đây, bà Huỳnh Thị Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị các sở ngành tích cực hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cùng nhà khoa học đồng hành gỡ khó giúp ngành hồ tiêu khởi sắc thời gian tới.