UTZ không còn xa lạ ở nhiều nước phát triển, nhưng với đa phần nông dân trồng cà phê Việt, đó đơn thuần là những chữ cái viết tắt của một cụm từ nào đó. Thống kê thường niên năm 2017 cho thấy, có 41 quốc gia áp dụng chương trình nông nghiệp chuẩn UTZ […]
UTZ không còn xa lạ ở nhiều nước phát triển, nhưng với đa phần nông dân trồng cà phê Việt, đó đơn thuần là những chữ cái viết tắt của một cụm từ nào đó.
Thống kê thường niên năm 2017 cho thấy, có 41 quốc gia áp dụng chương trình nông nghiệp chuẩn UTZ với 987.000 nông dân và 368.000 công nhân làm việc trong các trang trại UTZ. Việt Nam cũng là một trong con số 41 này, nhưng tỷ lệ phần trăm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi UTZ chỉ là chữ viết tắt
UTZ là một chương trình phát triển bền vững cho cà phê, cacao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu. Chương trình tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả mà vẫn quan tâm đến yếu tố con người và môi trường. Qua đó, nông dân có thể tạo ra sản phẩm chất lượng với mức chi phí thấp hơn, giúp nâng cao đời sống.
Nhưng với nông nghiệp Việt, nhất là ngành cà phê, chủ yếu sản xuất dựa trên kinh nghiệm và thói quen lâu đời: Khi cỏ cao thì nhờ thuốc diệt cỏ; trời mưa thì bón phân hóa học, mà năm nay bón loại này không hiệu quả, sang năm lại đổi hiệu khác… Cứ thế, một mảnh đất từ đời này đến đời nọ được tẩm ướp phân hóa học, thuốc trừ sâu, đến khi vài bao vôi không thể cứu vãn được tình trạng đất bạc màu, không còn đủ chất dinh dưỡng.
Từ Bắc chuyển vào Nam theo diện kinh tế mới từ năm 1992, chị Phạm Thị Ngà (Di Linh, Lâm Đồng) đã là đời thứ 2 trồng cà phê. Ngày mới đặt chân tới mảnh đất cao nguyên, gia đình chị được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cà phê. Nhờ thời tiết và đất đai thuận lợi, cây cà phê sinh trưởng và cho quả tốt.
Hồi ấy, gia đình đông anh chị em, chăm sóc vườn chủ yếu dựa vào sức người. Dần dà, người đi học, người đi làm xa rồi lập nghiệp nơi khác, một mình chị không đủ sức cáng đáng hết mảnh vườn của mình và người mẹ đã cao tuổi.
“Vào mùa mưa cỏ mọc lên rất nhanh, một mình làm không xuể, tôi chuyển sang dùng thuốc diệt cỏ. Cứ túc tắc khoảng một ngày là xịt xong mảnh vườn chừng 1 ha. Nếu sạc cỏ, phải mất đến cả tuần chứ không ít”, chị Ngà kể.
Bón phân cho cà phê cũng vậy. Chị Ngà và nhiều nông dân khác thường chờ đến lúc trời mưa mới dám lôi phân đi bón. Bởi nếu rắc phân xong mà nắng thì bao nhiêu tiền như đổ sông đổ bể. “Vài trăm nghìn một bao phân đâu phải ít. Bón phân trời mưa dù có cực hơn nhưng chắc ăn”, chị Ngà nói.
Những nông dân UTZ đầu tiên
Xịt thuốc làm cỏ nhanh chết, lại tiết kiệm thời gian, nhưng sau mỗi lần như vậy chị Ngà đều cảm thấy mệt và mùi thuốc rất khó chịu. Trời nắng thì không sao, mới xịt thuốc xong mà đổ mưa thì coi như công cốc, vừa tốn tiền, vừa tốn công.
Dù đã cẩn thận trong việc “dự báo thời tiết” rằng hôm nay nắng để phun thuốc hay sẽ mưa để bón phân, nhưng không ít lần chị Ngà cũng phải thẫn thờ nhìn mưa rửa trôi đống thuốc diệt cỏ mới phun hoặc nhúm phân mới bỏ bốc hơi cùng nắng trời.
Diện tích 1 ha, gia đình chị Ngà thu được hơn 5 tấn cà, trừ tiền phân bón, thuốc cỏ, thuê công hái còn lại, chẳng được là bao.
Bao nhiêu chi phí dồn vào hạt cà mỗi năm một mùa thu hoạch nên nhà nào cũng mong ngóng, hái cho nhanh để trang trải tiền đầu tư và quyết toán xem lời lỗ như thế nào. Và cứ thế, cả quả xanh lẫn trái chín sẽ được tuốt một lượt, để tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công. Quả cà phơi ra chất lượng thì không bao nhiêu nhưng nhân thâm, đen thì lại chiếm phần nhiều.
“Gọi công càng ngày càng khó nên tôi tranh thủ thuê được người lúc nào thì hái đại trà luôn lúc ấy. Kẻo đến khi không có người, cà phê rụng đầy gốc mà không thu hoạch được. Vả lại, của nhà mình, đem về vẫn tốt hơn”, chị Ngà bộc bạch.
Dù biết chất lượng hạt thu hoạch đại trà không tốt nhưng những người nông dân chân chất như chị Ngà cũng không lường hết được thiệt hại còn nhiều hơn.
Phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn châu Âu, bảo vệ môi trường đất và chính người nông dân, đã được nông dân nhiều nước áp dụng. Ở Việt Nam, để tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn UTZ nhiều hơn thì người nông dân là yếu tố cần đặt lên hàng đầu. Làm sao để thay đổi thói quen đã gắn đến vài thế hệ, làm sao để họ nhận thức tác hại và rủi ro của nông nghiệp truyền thống. Tất cả là bài toán khó.
Tại một nước đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê như Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã xuất những sản phẩm đạt chuẩn UTZ ra các nước trên thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đưa cà phê chuẩn UTZ vào thị trường nội địa thì rất hiếm hoi. Và cái tên nổi bật có thể kể đến trong hành trình giúp người nông dân từng bước thay đổi suy nghĩ, chú trọng hơn việc phát triển bền vững là Công ty Cổ phần Phúc Sinh.
Ôm mộng lớn về cà phê chuẩn châu Âu tại Việt Nam, Phúc Sinh bắt tay vào đầu tư 5 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu lớn của cả nước. Số tiền này sẽ bao gồm hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật: Cách tưới nước tiết kiệm, ưu tiên dùng phân hữu cơ thay cho vô cơ, chăm sóc đúng quy trình sinh học và cả việc bao tiêu đầu ra với giá thành cao hơn mặt bằng chung.
Không đơn giản để thay đổi thói quen đã gắn với người nông dân cả đời. Nhưng khi đã nhận thấy hiệu quả từ việc thu hoạch quả chín giúp nhân chắc, mẩy và đẹp hơn; bón phân hữu cơ cây sinh trưởng tốt; đồng thời sức khỏe con người cũng được cải thiện đáng kể; năng suất thì tăng mà lại tiết kiệm được phần chi phí không nhỏ, người nông dân đã tự tìm đến Phúc Sinh để được giải đáp những khúc mắc trong quá trình tiến hành UTZ.
Từ vài hộ ít ỏi ban đầu, đến nay đã có 897 hộ với diện tích trên 1.000 ha và hơn 2.700 tấn cà phê đạt chuẩn UTZ do Phúc Sinh hỗ trợ. Những con số tuy không lớn nhưng đang tăng lên từng ngày và từng bước thực hiện hóa ước mơ của ông chủ cà phê Việt – Phan Minh Thông: “Người Việt cũng được uống cà phê ngon chuẩn quốc tế”.
Theo Zing.vn