Thương chiến Mỹ – Trung leo thang đang đặt ra những thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản và thuỷ sản, theo báo cáo về tình hình công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương. Thương chiến Mỹ Trung có thể gây ảnh hưởng xuất khẩu nông […]
Tin liên quan
Thương chiến Mỹ – Trung leo thang đang đặt ra những thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản và thuỷ sản, theo báo cáo về tình hình công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương.
Thương chiến Mỹ Trung có thể gây ảnh hưởng xuất khẩu nông sản – Ảnh: N.A.
Cụ thể, dự báo những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam, theo Bộ Công thương, sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tập trung các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ…
Trong khi đó, với tác động của thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang, kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.
Các nhóm hàng điện tử tiêu dùng có thể tăng cao do nhu cầu mua sắm tăng, nhiều mặt hàng cũng bước vào thời kỳ cao điểm xuất khẩu.
Xuất khẩu sang Mỹ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, khi nước này đẩy mạnh nhập các mặt hàng thay thế cho Trung Quốc.
Do đó, Bộ Công thương cho rằng nếu các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế thì có thể khai thác cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận thương chiến Mỹ – Trung với diễn biến khó lường sẽ tác động kinh tế thế giới. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này do giá hàng hóa xuất sẽ cao hơn.
Đặc biệt, Bộ này cũng dự báo xuất khẩu nông sản được sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao.
Những lý do được đưa ra như ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp; các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
N.An (Báo Tuổi Trẻ)