Trước đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), người dân chỉ biết đến nghề nuôi các loại cá thương phẩm như cá tra, cá đối, cá mú và thậm chí là cá mao ếch…Tuy nhiên, với những mô hình này chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, điều này khiến người nuôi rất […]
Cùng với đó, việc phối hợp triển khai dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi cá Chình hoa (Anguilla marmorata) giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Cá Chình hoa (Anguilla marmorata) có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tại Việt Nam, hiện quy trình công nghệ nuôi loài cá này cũng đã được các đơn vị nghiên cứu quan tâm. Các kết quả nghiên cứu này đã mở ra nhiều triển vọng trong phát triển nghề nuôi cá Chình chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã hình thành một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên thì hiện nay các hộ nuôi đang có xu hướng chọn nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao, như cá Chình. Tuy nhiên, do con giống phải lấy từ các nơi khác, kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên sản lượng và chất lượng cá Chình chưa cao.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Công ty TNHH Việt Tam Nông phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thuỷ sản – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã đề xuất và được Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi cá Chình hoa (Anguilla marmorata) giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, với mục tiêu: xây dựng thành công mô hình ương giống và nuôi cá Chình hoa thương phẩm năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Dự án thực hiện từ 8/2017 đến 2/2020. Dự án này có tổng kinh phí thực hiện dự án là 8.000.000.000đ, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 3.450.000.000đ, còn lại là do công ty TNHH Việt Tam Nông đầu tư thực hiện.
Dự án chọn địa điểm triển khai tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc. Các công nghệ chính được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III gồm: Công nghệ ương giống cá chình hoa từ giai đoạn giống cấp I (5 g/ con) lên giống cấp II (50 g/con); Công nghệ nuôi thương phẩm cá Chình hoa trong ao; Công nghệ nuôi thương phẩm cá Chình hoa trong bể.
Để dự án đạt kết quả, công ty TNHH Việt Tam Nông đã triển khai ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề chính như thiết kế hệ thống ao nuôi cá Chình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Khu thả cá rộng 1.200 m2, gồm 12 bể, mỗi bể có dung tích 70 m3; chất lượng nước trong hệ thống ao nuôi thâm canh cá Chình phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật (ở đây cá sống hoàn toàn bằng nguồn nước tự nhiên được khai thác từ nước mặt của hồ Sông Hỏa); con giống, thức ăn và chất lượng nước với các yếu tố vật lý, hoá học và thuỷ sinh vật thuận lợi và luôn ổn định; con giống và nguồn thức ăn cho cá có chất lượng cao; các giải pháp về đào tạo kỹ thuật và quản lý sản xuất cũng được triển khai đồng bộ. Với 12 bể nuôi cá Chình này, con giống được công ty TNHH Việt Tam Nông lựa chọn kỹ càng từ nơi cung cấp, đưa về và áp dụng KHKT nuôi để mang lại tỷ lệ sống cao. Với lần nuôi thử nghiệm đầu tiên, công ty TNHH Việt Tam Nông tiến hành nuôi 54 nghìn con, trong đó công ty đầu tư 48 nghìn con và được nhà nước hỗ trợ 6000 con.
Hướng đi bền vững sau khi dự án thành công
Đối với cá Chình nuôi thương phẩm, tính toán cho thấy trên diện tích 1 ao nuôi 800 m2, sau chu kỳ nuôi từ 20-24 tháng, năng suất đạt khoảng từ 20-22 tấn/ha, tỷ suất lợi nhuận dự kiến có thể đạt 30-40%. Trong điều kiện giá sản phẩm cá Chình tiêu thụ ngoài thị trường như hiện nay vào khoảng 600.000 đ/kg thì lợi nhuận người nuôi thu về là khá cao. Và với dự án được thực hiện là 36 tháng trên 2 ao nuôi, hiện tại trọng lượng cá thả tại 2 ao này đã hơn 1kg/con. Kể từ đây, đến khi dự án kết thúc, trọng lượng cá sẽ còn phát triển mạnh, và nếu thuận lợi theo đúng đề án đã đề ra thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ vô cùng cao vì cá Chình đang là mặt hàng được ưa chuộng, cung không đủ cầu.
Bên cạnh đó, dự án được thực hiện còn góp phần tạo thêm việc làm cho khoảng 30 lao động trực tiếp và 50 lao động gián tiếp với thu nhập ổn định. Có thể nói, phát triển mô hình ương cá giống và nuôi thâm canh cá Chình thương phẩm của công ty TNHH Việt Tam Nông ở Bà Rịa – Vũng Tàu là một hướng đi đúng. Dự án thực hiện thành công sẽ là động lực góp phần khai thác thật sự hiệu quả tài nguyên mặt nước trong vùng, đa dạng mô hình và loài thủy sản nuôi cho người dân. Nếu mô hình được công ty chuyển giao cho người dân sau khi thử nghiệm thành công, nó sẽ góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người nuôi thủy sản ở địa phương trong thời gian tới.