Cần đẩy mạnh kiểm soát đầu vào, nhất là con giống, các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có buổi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá […]
Tin liên quan
Cần đẩy mạnh kiểm soát đầu vào, nhất là con giống, các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có buổi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu cá tra của vùng ĐBSCL thời gian qua.
Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.600 ha, tăng hơn 22% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm hơn 11%. Dự báo năm 2020 cũng là năm thách thức lớn đối với ngành hàng cá tra vì một số thị trường chính đang giảm nhập mặt hàng này.
100% cơ sở nuôi được kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay chương trình giống cá tra đảm bảo cho nhu cầu nuôi trong khu vực ĐBSCL, đối với các doanh nghiệp đã chủ động vùng nuôi, liên kết với các hợp tác xã, người dân để đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. 100 % cơ sở nuôi được kiểm soát về an toàn thực phẩm; hơn 70% đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Naturland…
Trong năm nay, Tổng cục Thủy sản sẽ hoàn thành việc thay thế 60.000 cá tra bố mẹ, đồng thời phối hợp với các địa phương trong thúc đẩy liên kết sản xuất, trong đó có mô hình nuôi cá tra 3 cấp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, cần phải đẩy mạnh kiểm soát đầu vào, nhất là con giống, các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Mỹ đã khẳng định quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam tương đương của họ và như vậy tất cả quá trình sản xuất ở mức trình độ cao.
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để bù đắp phần thiếu hụt của một số thị trường đang tạm ngưng nhập hàng.
“Đây cũng là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại một bước sản xuất cao hơn, thứ hai nữa khi họ công nhận tương đương sản xuất cá tra của Việt Nam rồi thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và có nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng thuế suất về 0%. Đây chính là động lực để thúc đẩy sản xuất cá tra của Việt Nam phát triển với một tiềm năng lớn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL