Hiểu được nỗi khổ của người dân với điệp khúc “được mùa mất giá”, Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) đã liên kết với người trồng điều để trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế). Mô hình này là […]
Hiểu được nỗi khổ của người dân với điệp khúc “được mùa mất giá”, Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) đã liên kết với người trồng điều để trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế). Mô hình này là bước đi tiên phong trong phong trào trồng điều sạch theo hướng bền vững tại tỉnh và khu vực Đông Nam bộ.
LIÊN KẾT NÔNG DÂN SẢN XUẤT SẠCH
“Từ một tổ hợp ngành nghề thuộc Hội Nông dân xã Tiến Hưng, năm 2007, thành lập tổ phát triển điều bền vững với 49 thành viên. Hoạt động đúng nguyên tắc và tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc điều, đến năm 2009, vườn điều của tổ được Tổ chức quốc tế FLO chứng nhận là sản phẩm nông sản sạch. Do nhu cầu hội nhập của thị trường quốc tế nên năm 2014, tổ thành lập HTX Phước Hưng để liên kết nông dân cùng trồng điều sạch theo hướng bền vững” – ông Vũ Đức Bộ, Chủ nhiệm HTX giới thiệu sự hình thành và phát triển của HTX.
Ông Vũ Đức Bộ (phải), Chủ nhiệm HTX Phước Hưng đến vườn điều nhà anh Bùi Minh Đại kiểm tra sự phát triển của cây điều giúp vườn cho năng suất cao trong vụ tới
Là người gắn bó với cây điều lâu năm nên ông Bộ hiểu được nỗi khổ của người trồng điều. Họ cứ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa. Những năm trở lại đây, người dân chặt bỏ điều nhiều hơn. Riêng ông vẫn giữ cây điều bởi suy nghĩ đây là cây trồng chủ lực của tỉnh. Nhưng để tồn tại thì ông đã tìm hướng đi mới.
Tình cờ trong một lần đọc trên mạng ông biết đến mô hình trồng điều theo tiêu chuẩn FLO. Đó là mô hình sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản… Lợi ích của việc trồng điều sạch là thích ứng với biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, có tiền hỗ trợ khi xuất khẩu. Nhận thấy đây là hướng đi mang tính bền vững nên ông đã vận động nhiều người trồng điều trong xã tham gia.
Ông Bộ cho biết, mình cứ làm tốt, bà con thấy hiệu quả sẽ tự động tham gia HTX. Các thành viên ban chủ nhiệm phải thường xuyên tuyên truyền đến xã viên về lợi ích khi tham gia như được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách tỉa cành, tỉa tán, phân bón, thuốc trừ sâu để tăng hiệu quả chăm sóc và bảo vệ môi trường… HTX còn tập hợp những người trồng điều để giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tạo sự bền vững trong sản xuất. Từ có lôgô, nhãn mác riêng trên thị trường sản phẩm có giá trị hơn. Về đầu ra sản phẩm, hiện HTX đã ký hợp đồng với 2 công ty bao tiêu điều cho nông dân.
TẠO NIỀM TIN CHO XÃ VIÊN
Hiện HTX Phước Hưng có hơn 200 xã viên, với tổng diện tích điều là 1.400 ha ở các xã: Tiến Hưng (Đồng Xoài), Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) và Đồng Nai (Bù Đăng). Vào HTX, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân giống các vườn có hiệu quả cao, hỗ trợ cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm… Nhờ vậy, điều đạt năng suất trung bình 3 tấn/ha, có hộ 4 tấn/ha. Riêng nhà ông Bộ với 5 ha điều mỗi năm cho năng suất khoảng 15 tấn, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông Bộ cho biết: “Nếu đạt 3 tấn/ha, người trồng điều sống khỏe. Đặc biệt, điều làm ra được bao tiêu, bán có giá hơn điều trồng thông thường nên xã viên rất yên tâm”.
Ông Đàm Xuân Thọ ở ấp 7, xã Tiến Hưng là một trong những người đầu tiên tham gia trồng điều theo tiêu chuẩn FLO. Ông Thọ cho biết, từ khi trồng điều sạch vườn nhà ông chưa bao giờ cho năng suất thấp hơn 2,5 tấn/ha. Hiện nay, với 8 ha điều được chăm sóc theo tiêu chuẩn FLO, cây ít sâu bệnh, hạt đẹp nên bán được giá cao hơn điều thông thường.
Gia đình anh Bùi Minh Đại ở ấp 2, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) có 1,6 ha điều. Nhận thấy việc tham gia vào HTX được hưởng nhiều lợi ích và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên gia đình anh tự nguyện xin vào HTX từ năm 2011. Từ khi vào HTX đến nay, anh nhận được nhiều lợi ích như tư vấn khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn cách bón phân, cách sử dụng thuốc trừ sâu không ảnh hưởng tới nông sản và bảo vệ môi trường… Từ đó, năng suất cao hơn rõ rệt so với khi chưa vào HTX.
Hiện 42 thành viên cũ ở xã Tiến Hưng được HTX đầu tư 7.000 bao phân, tro trấu, mỗi ha được hỗ trợ 100 bao cho thành viên từ quỹ phúc lợi. HTX còn tìm hiểu trên thị trường những loại phân bón tốt nhất và phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây điều để ký hợp đồng với hình thức trả chậm cho hơn 200 thành viên, dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.
Là HTX tiên phong trong việc liên kết người trồng điều theo hướng sản xuất sạch, có lôgô, nhãn mác được Tổ chức quốc tế FLO công nhận, tuy nhiên HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến và thu mua nông sản cho nông dân. Riêng trụ sở HTX vẫn đang mượn tạm nhà của thành viên để hoạt động… Rất mong các ngành, cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng cây điều Bình Phước trong thời gian tới.
Hữu Dụng
Theo baobinhphuoc.com.vn