Sâu xanh mùa thu, loại sâu vẫn chưa có phương pháp xử lý hữu hiệu, đang lây lan khắp toàn cầu và đã xuất hiện tại Thái Lan, đe dọa cây trồng khu vực này.
Sâu xanh mùa thu phá hoại ngô (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi chưa từng đối mặt sâu xanh mùa thu. Chúng được phát hiện vào cuối năm ngoái và trong tháng 1 năm nay tại khu vực này. Đó là một vấn đề lớn, Uraporn Nounart, chuyên gia về sâu bệnh nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nói với AP khi tới thăm các trang trại ở tỉnh Kanchanaburi, tây bắc thủ đô Bangkok, gần đây.
Sâu xanh mùa thu, tên khoa học Spodoptera frugiperda, dài khoảng 2,5cm, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, có thể di cư với khoảng cách lớn và sẽ phát triển thành ngài. Hiện chưa có giải pháp nào có thể diệt loại sâu này trên diện rộng. Chúng thích ăn ngô nhưng cũng xuất hiện trên mía, lúa, bông và các loại rau.
Theo giới chuyên gia, loại sâu này được tìm thấy tại châu Phi, lần đầu tiên xuất hiện ngoài châu Mỹ, năm 2016. Khi đó, chúng đã tàn phá tới một nửa số lượng ngô, lúa miến và kê tại châu lục này. Sâu xanh mùa thu đang lây lan qua Yemen và Nam Á sang Thái Lan, Trung Quốc.
Sâu xanh mùa thu gây thiệt hại ở mọi giai đoạn trong vụ ngô, nghiêm trọng nhất khi chúng biến hạt ngô thành bột nhão. Sự xuất hiện của loài sinh vật gây hại này đe dọa đảo ngược sự cân bằng giữa lợi nhuận và chi phí của nông dân Thái Lan cũng như nhiều khu vực khác. Thuốc trừ sâu thường độc hại, tốn kém và không phải lúc nào cũng có tác dụng.
Tại châu Mỹ, từ Argentina cho tới Canada, thiên địch của sâu xanh mùa thu như các loài săn mồi, ký sinh trùng đã giúp kiểm soát loài này. Tuy nhiên, những khu vực khác có thể thiếu các yếu tố phòng vệ đó, Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cảnh báo. Tổ chức này đã triệu tập một cuộc họp tại Bangkok trong tháng 3 để chia sẻ thông tin và chiến lược đối phó sâu xanh mùa thu.
Kiểm soát được coi là ưu tiên khẩn cấp. Châu Á được biết đến là khu vực trồng lúa nhưng ngô cũng là một cây lương thực quan trọng, nguồn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi.
Trên các cánh đồng ngô ở Kanchanaburi, sâu xanh mùa thu xuất hiện trên cây trồng ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ cây con, cây cao đến đầu gối hoặc cao tới “mắt của voi”. Một số nông dân địa phương đang nỗ lực hạn chế tổn thất bằng cách rút cờ, lấy ngô bao tử bị hỏng bỏ đi để hạn chế thiệt hại. Với cách này, ngô vẫn ra bắp mới để thu hoạch sau.
Các nông dân trồng hữu cơ không sử dụng hóa chất nên họ có thể bán thân ngô thải làm thức ăn gia súc. Sử dụng các biện pháp sinh học như nấm có ích phần nào nhưng một số cánh đồng vẫn mất tới 1/3 lượng ngô bao tử.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến thứ gì như vậy”, nông dân tên Sanae nói.
Trên một cánh đồng khác, nông dân Thanwa sử dụng phương tiện bay không người lái để phun thuốc. Với những loại cây cao, đó là cách duy nhất để nông dân quy mô nhỏ đưa thuốc trừ sâu lên những phần bị ảnh hưởng.
FAO đã phát triển một ứng dụng tuyên truyền những kiến thức cơ bản về cách tìm và xử lý sâu xanh mùa thu (Ảnh: Reuters)
Dưới nắng bỏng rát, Uraporn Nournart cùng các nhà khoa học trẻ trong nhóm liên tục đi qua những cánh đồng, xem xét và lấy những thân cây bị phá hoại để thu thập sâu cùng trứng phục vụ mục đích nghiên cứu.
Charuwat Taekul, nhà côn trùng học thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan, chuyên về ong bắp cày ký sinh siêu nhỏ, đang nghiên cứu về thiên địch của sâu xanh mùa thu. Hiện chưa rõ ong bắp cày có hữu ích trong kiểm soát sâu xanh mùa thu hay không nhưng nó vẫn là một chiến lược được xem xét.
Với Yodsapon, nông dân ở Tha Muang, sự giúp đỡ này đã tới muộn. Yodsapon đi theo nhóm của Uraporn qua cánh đồng ngô ngọt đã bị tàn phá của ông. Thoạt nhìn, các thân cây cao 2m rất có sức sống với các bắp có kích thước gần đạt chuẩn thu hoạch. Tuy nhiên, khi nhìn gần hơn, thân cây đã có các lỗ nhỏ do bị sâu đục vào để ăn bắp, đùn ra chất thải màu nâu vàng.
Gia đình Yodsapon còn có nguồn thu nhập khác từ một nhà nghỉ sinh thái. Tuy nhiên, nguồn thu này không ổn định và mùa ngô năm nay sẽ thất thu, Yodsapon nói. Ông nghĩ rất nhiều về hướng đi tiếp theo, chuyển sang cây trồng khác như sắn hay khoai tây. “Tiếp tục phun thuốc để diệt sâu có thể khiến chi phí tăng gấp 3, trong trường hơp đó tôi không thể kham nổi”, Yodsapon cho biết.
“Đưa ra biện pháp kiểm soát phù hơp khi một quốc gia bị nhiễm sâu xanh mùa thu là điều quan trọng”, Marjon Fredrix, chuyên gia FAO tại Bangkok, nói. “Tuy nhiên, nguy cơ lây lan hơn nữa là có thật”.
Bà Fredrix cho biết ngài – tức sâu xanh mùa thu trưởng thành – có thể bay hơn 100km một đêm, thậm chí xa hơn nếu được gió thổi đi. Kịch bản tốt nhất là nông dân phát hiện sâu bệnh từ sớm và có thể kiểm soát chúng. FAO đã phát triển một ứng dụng tuyên truyền những kiến thức cơ bản về cách tìm và xử lý sâu xanh mùa thu.
“Loài sâu bệnh này cần được kiểm soát trong vài năm tới. Nông dân cần phát triển kỹ năng để hành động đúng cách”, theo Fredrix.