Tháng 11, Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Diễn đàn “Nông nghiệp thời đại 4.0” với hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, các cán bộ quản lý và nông dân đến từ các tỉnh Trà […]
Tháng 11, Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Diễn đàn “Nông nghiệp thời đại 4.0” với hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, các cán bộ quản lý và nông dân đến từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang.
Tại Diễn đàn, đại biểu đã được trình bày về khái niệm Nông nghiệp thời đại 4.0, đó chính là tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Tại Việt Nam đến thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động. Trong điều kiện công nghệ ngày càng rẻ, có khá nhiều DN, nông dân quan tâm đến lĩnh vực này. Bức tranh về “nông nghiệp 4.0” sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe các tham luận như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp 4.0 (Tập đoàn Viettel), Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp thông minh (Công ty Ryan Holding), Thực trạng và định hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp tỉnh Trà Vinh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), Liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân và doanh nghiệp mang lại sự phát triển bền vững trong nông nghiệp (Câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam), Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản (Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh), Kết nối tiêu thụ nông sản (Siêu thị Coopmart), Kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao (ông Trần Văn Triệu, đại diện nông dân tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh). Qua đó, các đại biểu nông dân đã đặt nhiều câu hỏi đến các diễn giả về ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều kiện sản xuất cụ thể hiện nay, làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, sản xuất an toàn và đầu ra của sản phẩm.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã từng bước có những nỗ lực trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nông nghiệp 4.0 bắt đầu được chú ý thực hiện, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Một số kết quả về trồng trọt như, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật In vitro nhân giống dừa sáp, hoa phong lan, nấm ăn và nấm dược liệu. Mô hình trồng rau trong nhà kín, trồng rau thủy canh, tưới tự động. Sử dụng phân bón thông minh kết hợp hệ thống bơm tát nước tự động sử dụng năng lương mặt trời trong sản xuất lúa. Ứng dụng công nghệ viễn thám GIS để quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng. Về chăn nuôi, ứng dụng chăn nuôi chuồng lạnh khép kín, tự động. Về thủy sản, nuôi tôm thẻ siêu thâm canh. Sử dụng phao quan trắc – ứng dụng điện toán đám mây nhằm quan trắc có cảm biến đo độ mặn, nhiệt độ nước, pH và điều khiển qua Smartphone. Từ đó, giúp giảm chi phí trong sản xuất, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc…
Nông dân Trà Vinh ứng dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và phao quan trắc có cảm biến đo độ mặn, nhiệt độ nước, pH vào sản xuất
Thanh Tuyền