Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng […]
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La…
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã được tổ chức tại Hà Nội.
Làm gì để thương hiệu nông sản thực sự bền vững?
Giải đáp thắc mắc chung của nhiều nông dân về việc làm sao để có thể xây dựng được một thương hiệu tốt, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU, Trung Đông… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định: Vấn đề thương hiệu là hết sức quan trọng. Hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được. Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đáp ứng được hai yêu cầu này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt.
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương đã có chương trình hỗ trợ thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu ra nước ngoài. Thông qua các chương trình này, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan sẽ quảng bá các thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, báo chí nước ngoài nhằm xây dựng nhận thức của thị trường nước ngoài về thương hiệu nông sản Việt Nam…
Ông Lê Quốc Doanh cũng cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 146 về tín dụng trong nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các chuỗi liên kết; chỉ đạo cấp, ngành triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới, là giải pháp hiệu quả giúp nông dân phát triển sản xuất hiệu quả, nông sản làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn.
Thúc đẩy thị trường và liên kết sản xuất
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam đã lựa chọn chủ đề nhấn mạnh vào khâu tiêu thụ, khơi nguồn nông sản Việt – một trong những thách thức lớn nhất nền nông nghiệp cần phải vượt qua.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều sự kiện có ý nghĩa, đó là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gạo thế giới, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La… Riêng vụ vải thiều của Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.700 tỷ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác.
Phó Thủ tướng cho biết: “Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang làm thủ tục công nhận thủ tục về cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Phía Hoa Kỳ đã kểm tra thực địa và đánh giá Việt Nam sản xuất cá tra rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành thủ tục về cá tra. Vừa rồi, thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải. Đó là những thông tin rất tích cực”.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường cả ở trong nước và trên thế giới. Theo quy luật của thị trường, cung nhiều hơn sẽ làm giá không tốt được, nhưng nếu làm tốt khâu tiêu thụ thì sẽ vẫn bán được với giá tốt. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung – cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của chúng ta.
“Thị trường ở đây, không phải là chợ trong nước cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà cho 7 tỷ người trên thế giới. Vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương,… gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác được tiềm năng này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hiểu rõ thị trường, HTX kiểu mới là giải pháp hiệu quả nhất để liên kết, chia sẻ thông tin giữa những người nông dân với nhau, với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác về sản xuất hàng hoá. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính sách liên kết giữa “5 nhà” (nhà nông, nhà “băng”, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa, trong đó vai trò dẫn dắt của HTX rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ.
Phó Thủ tướng tin rằng, với hai vấn đề cốt lõi đã chỉ ra trong diễn đàn này là thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết sản xuất sẽ là những giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Trí thức trẻ