Bà đỡ cho nhà nông trồng chanh dây Tây Nguyên

Những năm gần đây, diện tích trồng cây chanh dây tại Tây Nguyên tăng khá nhanh, chủ yếu là giống chanh dây tím Đài Loan. Ðây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, một khi diện tích cây trồng này […]

Những năm gần đây, diện tích trồng cây chanh dây tại Tây Nguyên tăng khá nhanh, chủ yếu là giống chanh dây tím Đài Loan.

Ðây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, một khi diện tích cây trồng này tự phát tăng nhanh sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định đầu ra.

Cây trồng siêu lợi nhuận.

Là một “tân binh” trong ngành sản xuất xuất khẩu rau quả, cây chanh dây tím Đài Loan được bà con các tỉnh Tây Nguyên tập trung phát triển mạnh diện tích gieo trồng khoảng 10 năm trở lại đây do đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại, cây chanh dây cho năng suất bình quân 70 – 100 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường như hiện nay, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây được lời từ 500 – 700 triệu đ/ha/năm.

Chanh dây đem lại thu nhập cao cho người dân Tây Nguyên

Việc trồng cây chanh dây cũng không quá phức tạp, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Chanh dây từ khi trồng đến khi cho thu hoạch từ 5-7 tháng và chu kỳ sản xuất trong vòng 03 năm. Chi chi phí đầu tư cho một ha chanh dây khoảng 70 – 100 triệu đồng gồm tiền mua giống, phân bón, dây kẽm, trụ… để làm giàn và công chăm sóc cũng khá đơn giản chỉ cần chăm chỉ thăm nom, nếu thấy xuất hiện sâu bệnh thì xử lý kịp thời để phòng trừ.

Hiện nay, trồng chanh dây đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông, Gia lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk… với diện tích khoảng trên 3.000ha do hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, người dân muốn đầu tư trồng chanh dây hoặc đang trồng cần phải lưu ý những vấn đề như “chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời”. Bởi trước đây đã có nhiều bài học từ trồng chanh dây, điển hình là vào năm 2010 nhiều người trồng chanh dây Tây Nguyên đã chạy đôn, chạy đáo mua các loại thuốc về phun trên cây, lá, xịt xuống gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết. Vì vậy, nhiều vườn chanh dây đang xanh tốt thì bị nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng rồi rụng dần cả lá lẫn trái và chết toàn bộ, nhất là những vùng trước đây đã trồng chanh dây nhưng xử lý đất chưa kỹ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu do việc trồng ồ ạt. Nhiều đơn vị, hộ dân tự ý cấy ghép, nhân giống không thông qua đơn vị kiếm soát, bán giống để kiếm lời trước mắt. Bà con nông dân ham rẻ mua phải những cây bị bệnh mà không biết. Diện tích trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng … Hơn nữa đa số các hộ dân tự phát trồng đều không qua lớp tập huấn kĩ thuật nào, chỉ là dân “tay ngang” thấy người khác trồng có hiệu quả thì làm theo, vườn chanh dây không mắc bệnh cũng sẽ chậm phát triển, năng suất khó đạt như mong muốn.

Nhiều chính sách để chanh dây phát triển bền vững

Ngày 21/1, Cty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã khởi công dự án Nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dự án Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu. Đồng thời, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay Trên mỗi dây chuyền của dự án có thể đồng thời chế biến được đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau quả sẵn có ở Tây Nguyên.

Mô hình nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Các dây chuyền dự án sẽ đầu tư bao gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Tropical Food – Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia và Đức

Khi hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 7/2018, Nhà máy sẽ là một trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất của cả nước và là điển hình tiên tiến cho chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả của các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thanh Tùng Phó Tổng Giám đốc DOVECO cho biết: Sau khi Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đi vào hoạt động, riêng chanh dây mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ 200 – 300 tấn đảm bảo vùng nguyên liệu đầu ra ổn định cho hàng chục ngàn ha tại Tây Nguyên. Nếu như trước đây người nông dân còn e ngại chanh dây vì chưa có đầu ra ổn định, giá cả thất thường thì nay Cty đưa ra mức giá sàn là 6.000 đồng/kg còn thực hiện thì theo giá cả thị trường. Đặc biệt thời điểm hiện tại đối với chanh dây loại một (thường đạt 30% năng suất vườn cây) Cty mua với giá 36.000 đồng/kg để xuất khẩu quả tươi, còn lại Cty thu mua để chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh cam kết về chính sách giá thu mua, DOVECO còn cung ứng giống nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan cho người nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn cung vật tư, thuốc BVTV, quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc chanh dây cho người nông dân, doanh nghiệp với mục tiêu phát triển chanh dây bền vững nâng cao thu nhập cho người nông dân Tây Nguyên.

MAI PHƯƠNG
Nguồn: NNVN6