Hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản

Thực hiện chương trình khuyến nông năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện là Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức. Đến nay, mô hình đã được đánh giá cao vì có ý […]

Thực hiện chương trình khuyến nông năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện là Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức. Đến nay, mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình hỗ trợ 90 con bò giống sinh sản (bò lai Sind) cho 90 hộ nghèo ở các xã Ba Trại (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức) và 3 xã của huyện Thạch Thất là Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Ngoài được hỗ trợ 100% bò giống, các hộ trong mô hình còn được hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, đã có 25 con bò đã phối giống đang chờ theo dõi, 59 con đã có chửa và 05 con bò mẹ đẻ. Dự kiến đến hết tháng 12 có 11 con bò đẻ.

Đối với xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), sau khi được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 10 con bò cho 10 hộ nghèo, đến nay, có 1 con đã sinh bê, 9 con dự kiến cuối năm nay sinh. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đặng Hồng Ngọc cho hay, các hộ nhận nuôi bò đều vui mừng, tích cực chăm sóc bò theo đúng quy trình kỹ thuật. Để mô hình hỗ trợ bò sinh sản đạt hiệu quả, xã đã rà soát các đối tượng hộ nghèo, đồng thời, yêu cầu các hộ cam kết nuôi bò sinh sản từ 3 con bê trở lên mới được bán hoặc chuyển giao. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Ông Ngọc cho biết thêm: Từ sự đầu tư có trọng điểm của thành phố và huyện, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia,… đã giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 180 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2017 đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,06%. Chính quyền địa phương rất ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã được triển khai trên địa bàn xã, như mô hình dê sinh sản, bò sinh sản,…

Mô hình được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai. Mô hình vinh dự là một trong 3 mô hình khuyến nông chăn nuôi tiêu biểu đại diện cho 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam và Hà Giang được nhận giải thưởng Vietstock 2018 tại hạng mục “Mô hình khuyến nông chăn nuôi hiệu quả nhất”. Mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình ở các xã miền núi có thêm sinh kế thoát nghèo. Tiếp nối thành công và ý nghĩa của mô hình, năm 2018, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ 80 con bò cho 80 hộ nghèo ở các xã Phú Cường (huyện Ba Vì), Đức Hòa (huyện Sóc Sơn), Đông Yên (huyện Quốc Oai), Văn Đức (huyện Gia Lâm). Đàn bò mới thả đang thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Theo giá thị trường hiện nay, bê con 6 – 7 tháng tuổi có thể bán được trên dưới 10 triệu đồng/con, là nguồn nhu nhập khá cho hộ nghèo.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện đã triển khai đến đúng đối tượng. Đây không chỉ là niềm động viên, khích lệ lớn, mà còn tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để rất nhiều hộ gia đình khó khăn ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

                                                                                                                      Lưu Phượng