Ngành nông nghiệp chủ động trước khó khăn, thách thức mới

Ngày 15/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thông tin kết quả phát triển của ngành 6 tháng đầu năm 2020. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn chủ trì buổi họp báo. Khung cảnh buổi họp báo Tại buổi họp báo, Thứ trưởng thường trực Hà Công […]

Ngày 15/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thông tin kết quả phát triển của ngành 6 tháng đầu năm 2020. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn chủ trì buổi họp báo.

Khung cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho biết: Năm 2020, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn và thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản; Biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, bất thường chưa từng có: Hạn hán xảy ra ở cả 3 miền, xâm nhập mặn nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2019 tại Đồng bằng Sông Cửu Long, dông lốc, mưa đá ở trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ tái diễn, xuất hiện rất cao như bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo nhiệm vụ cho toàn ngành: Thách thức lớn, khó khăn nhiều nhưng với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, bám sát thực tiễn…các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần bình tĩnh, nhận dạng kỹ, chính xác từng vấn đề để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả để vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến “nguy” thành “cơ”; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Về chăn nuôi, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, tương đương sản lượng 9,6%. Sau khi dịch bệnh qua giai đoạn cao điểm (tháng 5, 6, 7/2019), Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai công tác tái đàn, tăng đàn lợn.

Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Dự kiến, trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ để phục vụ công tác phục hồi đàn lợn trong nước.

Cùng với lợn ông bà, cụ kỵ, Bộ NN&PTNT cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khoảng 6.000 con lợn bố mẹ; dự kiến sẽ tiếp tục nhập 400.000 con, bảo đảm đủ giống để người chăn nuôi tái đàn lợn cho cả giai đoạn 2021 – 2024.

Kết quả khôi phục đàn lợn theo thống kê của các địa phương là rất tích cực. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã đạt gần 25 triệu con, tương đương gần 81% tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sản lượng thịt lợn từ đầu năm 2020 cũng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi lợn đạt bình quân 5,78%/tháng. Riêng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đạt mức tăng trưởng lên tới 68,35%. Cùng với đẩy mạnh tái đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương để nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Với các giải pháp đồng bộ trên, Bộ NN&PTNT nhận định đến quý IV/2020, ngành chăn nuôi sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu về lợn thương phẩm, cũng như lợn giống.

HNN (mard.gov.vn)