4 xu hướng chăn nuôi năm 2020

Ngành chăn nuôi toàn thế giới trong năm 2020 và tương lai đang dần dịch chuyển sang xu hướng chăn nuôi thông minh, sạch, nhân đạo và dấu chân carbon thấp. Công nghệ cao Nhu cầu tiêu dùng thịt đang tăng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây. Sản lượng thịt toàn cầu đã […]

Ngành chăn nuôi toàn thế giới trong năm 2020 và tương lai đang dần dịch chuyển sang xu hướng chăn nuôi thông minh, sạch, nhân đạo và dấu chân carbon thấp.

Công nghệ cao

Nhu cầu tiêu dùng thịt đang tăng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây. Sản lượng thịt toàn cầu đã tăng gấp 4 lần từ 80 triệu tấn lên trên 300 triệu tấn trong giai đoạn 1963 đến nay. Sự tăng trưởng này chủ yếu do dân số toàn cầu và thu nhập bình quân theo đầu người tăng. Trước đây, phần lớn nhu cầu gia tăng với sản phẩm protein đều được đáp ứng bằng cách tăng khối lượng giết mổ. Nhưng giải pháp này không còn khả thi khi tăng trưởng năng suất chăn nuôi lại dự báo sẽ chững lại, thậm chí đi xuống trong tương lai.

Do đó, mục tiêu cho ngành chăn nuôi là phải đáp ứng được nhu cầu protein trong tương lai với nguồn sản phẩm ổn định về chất lượng. Các phương pháp quản lý thông minh trong chăn nuôi, dinh dưỡng và chất thải cũng như tăng cường phúc lợi động vật và nâng cao kiến thức chăn nuôi chính là chìa khóa tiềm năng nhất để giảm tác động của ngành chăn nuôi nói chung tới nguồn lợi tự nhiên; đồng thời vẫn tăng lợi nhuận cho mọi bộ phận tham gia hoạt động chăn nuôi.

Công cụ để giúp ngành chăn nuôi đạt mục tiêu trên là các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao như blockchain, big data, IoT… Ngay tại Trung Quốc, để quản lý các siêu trang trại nuôi heo hiệu quả, nông dân buộc phải áp dụng những kỹ thuật cao vào chăn nuôi, một trong số đó là sử dụng trí tuệ nhân tạo. Công nghệ cao là con đường nhanh nhất giúp người chăn nuôi trên thế giới đạt được sản lượng cao hơn, hiệu quả và bền vững hơn.

 

Sản xuất sạch

Mô hình chăn nuôi sạch như hữu cơ, không kháng sinh… đang ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự báo, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm hữu cơ tiếp tục tăng cao nên doanh số bán các loại mặt hàng này trên thị trường toàn cầu tăng bình quân 12 – 13%/năm trong những năm qua và xu hướng tiêu dùng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ với 24,4 tỷ USD, trong khi nước tiêu thụ loại thực phẩm này theo đầu người hàng năm lớn nhất là Thụy Sĩ (204 USD). Hiện đã có một số công ty lớn trên thế giới liên kết với người chăn nuôi để tạo dựng thị trường thực phẩm hữu cơ ổn định.

Ảnh: Nbcnews

Hướng tới thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm siêu sạch, người chăn nuôi trên thế giới sẽ dần đi theo phong trào cắt giảm sử dụng kháng sinh ở mức thấp nhất. Xu hướng loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi đã có từ lâu, nhưng đến bây giờ người chăn nuôi trên thế giới vẫn đang nỗ lực áp dụng bằng các giải pháp thay thế kháng sinh. Tại một số quốc gia trên thế giới, việc ban hành các đạo luật đã được thực hiện từ lâu, đầu tiên là Mỹ với đạo luật hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, EU cấm sử dụng thuốc kháng sinh hay hormone tăng trưởng từ năm 2006, Đức với đạo luật yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải báo cáo số lượng, tên loại thuốc kháng sinh đã sử dụng, hay Singapore yêu cầu thực phẩm phải được đảm bảo an toàn từ Cơ quan Nông sản thực phẩm và Thú y cấp.

 

Nhân đạo

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, áp lực từ các tổ chức xã hội, nhiều tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia, công ty phân phối và chế biến thực phẩm, siêu thị, nhà hàng đều đang cải thiện phúc lợi động qua các chính sách, quy định mới trong sản xuất… Nhiều doanh nghiệp thực phẩm lớn trên thế giới đã cam kết lộ trình cụ thể về sản xuất hoặc bán sản phẩm đảm bảo phúc lợi động vật. Phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường phương tây đều quan tâm đến phúc lợi động vật và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thịt có xuất xứ từ trang trại nuôi đạt chuẩn nhân đạo.

Ảnh: Animals

Anh là nước đầu tiên đặt ra các tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong chăn nuôi với 6 nguyên tắc theo luật “The Five Freedom”. Đây là nền móng vững chắc cho những cuộc thảo luận quốc tế về phúc lợi động vật sau này và là tiền đề xây dựng phát triển luật phúc lợi động vật ở những quốc gia châu Á, Australia, EU và Bắc Mỹ. Dựa trên các tiêu chuẩn trong “The Five Freedoms”, nhiều quốc gia đồng loạt cải thiện tiêu chuẩn phúc lợi động vật ngay tại trại nuôi, lò giết mổ và kênh phân phối trên thị trường. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cũng lan tỏa hành động ra phạm vi toàn cầu, tập trung cải thiện ngành thú y, phúc lợi động vật và sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn của OIE được nhiều quốc gia thành viên tham khảo và sử dụng trong quá trình theo đuổi phúc lợi động vật trong chăn nuôi, trong kinh doanh và phát triển thị trường. Tất cả 180 thành viên của OIE từ Anh tới Trung Quốc, Uganda và Ukraine đều áp dụng 14 tiêu chuẩn phúc lợi động vật toàn cầu của OIE.

 

Giảm dấu chân carbon

Ô nhiễm môi trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Ngành chăn nuôi đã sử dụng tới 1/3 nguồn đất nông nghiệp trên toàn cầu và 8% nguồn nước ngọt; đồng thời là một trong những căn nguyên dẫn đến nạn phá rừng và hủy hoại hệ sinh thái; và phải chịu trách nhiệm cho 15% lượng khí thải CO2. Khi dân số và thu nhập bình quân tiếp tục tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thịt cũng tăng theo. Trong đó ngành sản xuất thịt bò là “thủ phạm” gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Theo Climateaction, 125 triệu ha đất tại châu Âu được sử dụng để chăn nuôi gia súc hoặc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Diện tích đất này trị giá 28 – 32 tỷ EUR trong CAP (Chính sách nông nghiệp chung châu Âu) chi trả trực tiếp mỗi năm cho ngành chăn nuôi, chiếm 18 – 20% ngân sách châu Âu. Do đó, châu Âu có trách nhiệm sử dụng CAP để hướng nông dân chuyển sang nông nghiệp sinh thái, nuôi ít nhưng hiệu quả hơn, bảo vệ môi trường và khí hậu.

Gần đây, thịt nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm xuất hiện trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều công ty chăn nuôi lớn như Cargill cũng rót vốn đầu tư phát triển ngàng hàng thịt nhân tạo. Sản phẩm này được dự báo sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới trong tương lai vì quy trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường như chăn nuôi truyền thống.

Có thể thấy chăn nuôi không ô nhiễm, hoặc giảm dấu chân carbon là hướng đi mới của ngành công nghiệp bền vững, và cũng là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Theo thống kê của Nature Sustainability, gần 1/3 trang trại trên thế giới đã áp dụng canh tác thân thiện với môi trường, xử lý chất thải bằng các phương pháp sinh học mà vẫn duy trì được năng suất.

Tuấn Minh

Tổng hợp