Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty CP Giang Sơn (xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, Bắc Giang) luôn “chung lưng đấu cật” cùng người nông dân phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế. Với tâm huyết đó, đến nay sản vật của vùng cao Yên Thế đã đứng vững […]
Tình cờ, PV gặp bà Tâm tại Hội chợ thương mại về miền Yên Thế (một hoạt động nằm trong Lễ hội kỷ niệm Khởi nghĩa Yên Thế 2018). Gian hàng của công ty Giang Sơn nằm trong khu vực trưng bày nông sản địa phương, thu hút nhiều sự chú ý của người mua.
Các sản phẩm của công ty đều do người dân Yên Thế làm ra, đó là gà đồi chăn dài ngày; lợn rừng, lợn mán chăn thả bán tự nhiên (ăn rau rừng, thảo dược và không dùng cám tăng trọng), ong mật hoa vải thiều… Qua chế biến, chúng đã trở thành các món ăn hấp dẫn như: thịt gà đồi Yên Thế nguyên con, giò gà, xúc xích lợn mán, giò xào, giò lụa từ lợn rừng,…
Để có được điều này, những người chăn nuôi Yên Thế phải vượt qua một hành trình vất vả. Theo bà Tâm, trước đây, phương thức chăn nuôi gà ở Yên Thế chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, còn theo tâm lý mùa vụ và thị trường. Vì thế, việc tiêu thụ gà chủ yếu là “mạnh ai nấy làm”, thường bị tư thương ép giá.
Cũng bởi vậy, việc chế biến sâu gà đồi rất hạn chế, chưa nói đến đưa vào các siêu thị. Thị trường thiếu ổn định cũng khiến thu nhập của người chăn nuôi bấp bênh. Dù năm 2011 gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền, vấn đề này cũng chưa có nhiều chuyển biến.
Là người nhiều năm gắn bó cùng người chăn nuôi nên bà Tâm luôn trăn trở về điều đó. Bà đã đề xuất và được lãnh đạo huyện Yên Thế tin tưởng giao phát triển thương hiệu này, với chủ trương: đẩy mạnh liên kết chăn nuôi, tiêu thụ; chú trọng chế biến sâu và giúp đỡ người chăn nuôi phát triển bền vững.
Được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ, công ty Giang Sơn đứng ra liên kết với gần 80 hộ dân tại xã Đồng Tâm chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều đặc biệt, các chăn nuôi được công ty ký hợp đồng lao động, là nhân viên chính thức và hưởng đầy đủ các chế độ lương, BHXH…
Thậm chí, doanh nghiệp còn ứng vốn để mua gà giống, vật tư, làm chuồng trại; hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi. Việc tiêu thụ gà được cam kết bằng hợp đồng, theo đó giá thu mua luôn cao hơn so với thị trường.
Quy trình chăn nuôi gà đồi của công ty Giang Sơn đảm bảo thời gian tối thiểu 4 tháng; giống gà ri lai và mía lai được chọn lựa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm chăn nuôi tại Yên Thế. Để đẩy mạnh tiêu thụ, Giám đốc Nguyễn Thị Tâm bỏ nhiều công sức đến các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh thậm chí bỏ mối lên Hà Giang, Lai Châu…
Nhờ vậy, sản phẩm của Giang Sơn dần tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng các nơi. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” nhanh chóng khẳng định vị thế và chiếm lĩnh thị trường.
Sau sản phẩm gà lông và gà thịt đơn thuần, bà Tâm nảy ra ý tưởng chế biến thực phẩm sạch. Giò gà được bà nghiên cứu chế biến và cho kết quả ngoài mong đợi ngay từ mẻ đầu tiên. Giò gà đồi Yên Thế dai, ngon và có mùi thơm đặc biệt, hấp dẫn, được đánh giá cao tại các cuộc thi sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trung ương. Tại các Hội chợ thương mại, sản phẩm luôn được thực khách rất tìm mua.
Hiện nay, công ty Giang Sơn đã cung cấp ra thị trường nhiều thực phẩm chế biến từ lợn rừng, lợn mán, ngan,… với 17 loại mang thương hiệu “GS”. Để phát triển bền vững, công ty chủ động xây dựng dây chuyền giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh; đồng thời đăng ký thương hiệu, dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, từ 6 năm trở lại đây, các sản phẩm của công ty Giang Sơn đã có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội như: Hapro, Coopmart, Metro… Nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà máy… cũng là đối tác của doanh nghiệp. Ngoài ra, bà Tâm cũng mở một gian trưng bày và bán sản phẩm tại Hà Nội, thu hút rất nhiều thực khách.