Thời gian gần đây, nhiều người dân trồng hồng trên địa bàn xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) “khóc ròng”, xót xa khi những trái hồng càng lớn thì càng rụng. Nếu năm ngoái, nhiều hộ dân trồng hồng thu từ vài tạ đến cả chục tấn hồng thì năm nay nguy cơ […]
Tin liên quan
Thời gian gần đây, nhiều người dân trồng hồng trên địa bàn xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) “khóc ròng”, xót xa khi những trái hồng càng lớn thì càng rụng. Nếu năm ngoái, nhiều hộ dân trồng hồng thu từ vài tạ đến cả chục tấn hồng thì năm nay nguy cơ thất thu đã thấy rõ.
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Hòa Cư tích cực chuyển đổi nhiều diện tích trồng ngô, các loại rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó hồng không hạt Bảo Lâm là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ cũng rộng mở.
Mùa hồng năm ngoái nhiều hộ dân có mùa hồng chín ngọt.
Được biết, năm 2018, thu nhập từ cây hồng đạt khoảng 7 tỷ đồng. Vụ hồng năm nay, quả rụng nhiều, từ 60 – 70%. Trước tình trạng hồng rụng quả, xã đã báo cáo phòng chuyên môn huyện, phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về quy trình, biện pháp trồng, chăm sóc cây, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh. Tuy vậy, hiện chưa khắc phục được tình trạng rụng quả.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 4 năm nay, thời điểm cây hồng đã đậu quả sai trĩu cành thì xuất hiện bệnh lạ làm những trái hồng non rụng đầy gốc khiến người trồng hồng không khỏi xót xa.
Nhiều người dân cho biết: Thời điểm này năm trước, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành, phải dùng trụ để chống cho đỡ gãy. Nhưng năm nay cây chỉ còn lưa thưa vài quả, bởi đã rụng rất nhiều, tỷ lệ hồng rụng chiếm khoảng 60%, thậm chí có những cây quả rụng đến 80%. Hồng rụng quả bắt đầu từ tháng 4 đến nay, rụng nhiều nhất vào thời điểm sau mỗi trận mưa.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người trồng hồng đã phun thuốc, bón phân theo hướng dẫn nhưng không khắc phục được tình trạng quả rụng.
Hồng nọn rụng đầy dưới gốc khiến người trồng hồng xót xa.
Dẫn chúng tôi ra vườn hồng khoảng 200 gốc ngay sau nhà, không giấu nổi sự xót xa, anh Đinh Văn Sỹ ở thôn Bản Luận, xã Hòa Cư buồn bã: “Nhà tôi có khoảng 200 gốc hồng, như năm ngoái cũng thu được vài tấn cho thu nhập mấy chục triệu. Nhưng năm nay hồng bị bệnh lạ, quả non rụng đã gần hết, nhiều cây giờ quả đã rụng sạch”.
“Năm nay sợ chả có hồng mà ăn chứ đừng nói đến bán hồng, như mọi năm cũng có hiện tượng hồng rụng quả nhưng không nhiều như năm nay, quả rụng lộp bộp xuống gốc, nhìn mà xót. Từ đây đến lúc thu hoạch chắc cũng rụng hết, chả còn quả nào” – anh Sỹ buồn bã nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình ông Đường Mạnh Hơn, thôn Bản Luận đang rất lo lắng trước tình trạng bệnh trên cây hồng khiến quả hồng non rụng cuống, gây thiệt hại rất lớn. Mặc dù các hộ trồng hồng cũng tự tìm hiểu và chủ động phun thuốc nhưng hiệu quả không cao. Hồng vẫn tiếp tục rụng quả, nhiều cành non mọc ra thì còi cọc, lá vàng dần rồi chết.
Anh Sỹ xót xa khi chứng kiến những cây hồng trong vườn nhà cứ rựng hết trái qua từng này.
Ông Hoàng Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Hòa Cư là xã có diện tích trồng hồng không hạt Bảo Lâm nhiều nhất huyện với hơn 70ha. Tuy nhiên hiện nay hầu như các hộ trồng hồng đều đang đau đầu với loại bệnh mới xuất hiện làm quả rụng rất nhiều mà đến nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị.
“Năm ngoái một vài hộ trồng hồng cũng đã bị bệnh này, tuy nhiên diện tích rụng quả còn ít. Năm nay hầu như các hộ trồng hồng đều bị ảnh hưởng bởi loại bệnh này. Với tình trạng bệnh như hiện nay ước tính năng suất giảm chỉ còn 40% so với năm ngoái.
Hiện, chính quyền xã cũng đã báo cáo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc để cùng nghiên cứu tìm thuốc đặc trị loại bệnh này. Đồng thời xã cũng nhờ các kỹ sư nông nghiệp, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đến để cùng nghiên cứu và tìm ra loại thuốc có thể trị tận gốc loại bệnh này giúp bà con” – ông Đông nói.
Hồng vẫn rụng đầy gốc trong khi người dân vẫn đang loay hoay đi tìm loại thuốc đặc trị loại bệnh này.
Ngoài Hòa Cư thì một số địa phương khác như thôn Nà Chuông, xã Mai Pha tình trạng hồng rụng cũng xảy ra tương tự Nhiều người dân trồng hồng lâu năm tại đây dự đoán: Nguyên nhân khiến quả hồng rụng nhiều như hiện nay có thể là do thời tiết diễn biễn phức tạp, nắng, mưa xen kẽ làm cây bị sốc ngoại cảnh do nhiệt độ và ẩm độ thay đổi đột ngột; bệnh thán thư gây hại; chế độ chăm sóc: bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh không đúng quy trình.
Với tình hình như hiện nay khiến nhiều hộ dân thất thu gây thiệt hại về kinh tế, đồng thời còn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của loại cây ăn quả mang thương hiệu xứ Lạng này. ĐIều bà con nông dân trồng hồng tại đây băn khoăn, mong chờ nhất là mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sớm tìm ra hướng khắc phục tình trạng hồng bị rụng trái, nhà vườn mới yên tâm sản xuất.
Mộc Trà (Dân Việt)