3 năm qua, do giá tôm thẻ chân trắng liên tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người bỏ tôm thẻ chuyển sang nuôi tôm sú, dẫn tới sản lượng tôm thẻ giảm mạnh. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp chế biến đang cần nguồn tôm nguyên liệu để xuất sang […]
Tin liên quan
3 năm qua, do giá tôm thẻ chân trắng liên tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người bỏ tôm thẻ chuyển sang nuôi tôm sú, dẫn tới sản lượng tôm thẻ giảm mạnh. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp chế biến đang cần nguồn tôm nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc nên dẫn đến cầu vượt cung, đẩy giá loại tôm này tăng mạnh.
Với mức tăng từ 15.000 – 45.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi tôm đang thu lãi đậm, chính vì thế không ít ý kiến lo lắng bà con lại đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng như trước đây.
Giá tôm tăng nhanh, nuôi 1 lãi 1
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá tôm nguyên liệu trong tháng 12/2019 có xu hướng tăng đối với cả 2 loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.
Do nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu nên giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang tăng cao (ảnh chụp tại Cà Mau). Ảnh: Lê Huy Hải
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2019 đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018.Trong đó, tôm chân trắng giảm 3,2%, đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70%; tôm sú cũng giảm mạnh 15%, đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%. Các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.Kim ngạch xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, nửa cuối năm mới dần phục hồi. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg trong tháng 12/2019 đã tăng 20.000 đồng/kg, lên 230.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg, lên 180.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg 142.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg đang tăng mạnh, với mức tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 145.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 135.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg, lên 95.000 – 100.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng cũng đang tăng cao. Theo Sở Công Thương Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đang ở mức 95.000 đồng/kg, loại 70 con/kg có giá khoảng 110.000 đồng/kg và loại 50 con/kg có giá khoảng 125.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng 30% so với thời điểm 3 tháng trước.
Ông Nguyễn Minh Luân – hộ dân nuôi tôm thâm canh ở xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, Cà Mau) cho biết, giá tôm tăng cao, sau khi trừ chi phí hầu như hộ nào cũng có lãi. Nếu quản lý tốt và trúng mùa, thậm chí có hộ lãi tới 50%, tức đầu tư 1 thu lãi 1.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm 230.000ha, trong đó có hơn 10.000ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cho năng suất cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sen – một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, vui vẻ cho biết, đã khá lâu rồi người nuôi tôm mới hưởng trọn niềm vui trúng mùa, được giá như bây giờ. Sau hơn 3 tháng thả nuôi 350.000 con giống tôm thẻ chân trắng, tôm đạt cỡ 40 con/kg, gia đình ông Sen thu hoạch được 10 tấn, thương lái đến mua hết ngay tại ao với giá trung bình 146.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 700 triệu đồng.
Trước đó, thời điểm giữa năm nay trở về 1-2 năm trước, giá tôm thẻ nguyên liệu có lúc sụt giảm thê thảm, loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg, gần bằng với giá thành sản xuất nên người nuôi tôm lỗ vốn hoặc không có lời. Nhiều người chán nản chuyển sang nuôi tôm sú, không ít hộ treo ao nên dẫn tới nguồn cung tôm thẻ giảm mạnh so với trước.
Doanh nghiệp khan hàng
Các nhà chế biến, xuất khẩu tôm cho biết, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng tôm của các nước đang tăng mạnh để phục vụ nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và dịp tết của một số thị trường quan trọng, trong đó có Trung Quốc.
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong năm 2019, nhìn chung thị trường tương đối ổn định đối với tôm sú nhưng đối với tôm thẻ chân trắng có sự biến động khá nhiều. Lúc giữa năm giảm mạnh, có loại chỉ còn 60.000 đồng/kg, nhưng những tháng cuối năm lại tăng mạnh và dự báo có thể tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm. Hiện nhiều công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu, trong khi vẫn phải đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm leo thang.
Trước tình hình này, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc chuyện tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ mới để tránh nguy cơ tăng nguồn cung đột biến, rơi vào vòng luẩn quẩn cung vượt cầu, nhất là khi thị trường xuất khẩu tôm hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng – ông Lương Minh Quyết cũng nhận định, tôm được giá, nông dân ai cũng vui mừng, nhưng không vì vậy mà ồ ạt thả giống. Chỉ khi nào đủ điều kiện mới nên thả nuôi nhằm tránh rủi ro, bị dội hàng và rớt giá. Bên cạnh đó, việc có nhiều thương lái cạnh tranh thu mua tôm cũng sẽ tạo sân chơi bình đẳng, có lợi cho người nuôi.
Minh Huệ (Dân Việt)