Chỉ từ một bài đăng trên Facebook, chàng trai trẻ đã kiếm cả triệu USD sau khi bỏ việc để về làm trong nông trại

Tình cờ đọc được một bài viết thú vị trên mạng xã hội, chàng doanh nhân 38 tuổi này đã đưa ra một quyết định hết sức liều lĩnh nhưng sáng suốt: bỏ việc để về xây dựng nông trại. Nếu lần tới bạn cảm thấy tội lỗi vì đã lãng phí quá nhiều thời […]

Tình cờ đọc được một bài viết thú vị trên mạng xã hội, chàng doanh nhân 38 tuổi này đã đưa ra một quyết định hết sức liều lĩnh nhưng sáng suốt: bỏ việc để về xây dựng nông trại.

Nếu lần tới bạn cảm thấy tội lỗi vì đã lãng phí quá nhiều thời gian lang thang trên mạng xã hội, hãy nhớ một điều: cảm hứng có thể đến từ bất cứ nơi đâu.

Đó chính là trường hợp của Benjamin Swan. Anh đã nảy ra ý tưởng ngay trong lúc đang lướt mạng, và quyết định bỏ việc để bắt tay vào công việc kinh doanh trị giá cả triệu USD sau này.

“Mọi thứ bắt đầu từ một bài viết trên Facebook,” Swan nhớ lại.

Benjamin Swan – CEO của Sustenir – bên các khóm dâu tây được trồng trong nhà.

“Tôi đang trên đường từ công ty về nhà thì đọc được một bài viết rất chi tiết của giáo sư Vi sinh học Dickson Despommier về tương lai của ngành trồng trọt và mô hình canh tác nhiều tầng (vertical farming),” Swan cho biết. Đây là mô hình trồng trọt theo chiều thẳng đứng với các tầng chồng lên nhau, thay vì trồng trên một cánh đồng phẳng rộng lớn như thông thường.

“Tôi thấy có rất nhiều ví dụ minh họa và tự nhủ với bản thân rằng phương pháp này sẽ không thể nào áp dụng thành công tại châu Á.” Chính vì vậy, ngay tối hôm đó, anh chàng kỹ sư đang làm việc cho Citibank tại Singapore này đã hỏi ý kiến 2 “giáo sư” Youtube và Google để tìm ra hướng đi.

Sau 6 tháng ròng rã cùng vô số đêm mày mò, cuối cùng Swan và người đồng sáng lập Martin Lavoo cũng đã hoàn thành bản mẫu đầu tiên cho nông trại thẳng đứng trong nhà. Nông trại sẽ đảm bảo đủ các điều kiện về trồng trọt cần có tại Singapore để phát triển các giống thực vật ngoại lai.

Và thế là những hạt mầm đầu tiên của Sustenir – công ty của Swan và Lavoo – đã được gieo xuống đất. Trong vòng 18 tháng, bộ đôi đã xin nghỉ việc hẳn để toàn tâm toàn ý cho dự án này. Giờ đây, chỉ sau 5 năm, Swan và Lavoo đã rót hàng triệu USD của bản thân và các nhà đầu tư vào khu nông trại thẳng đứng này với tham vọng duy trì và bảo đảm việc sản xuất lương thực trên toàn châu Á.

Cải xoăn được trồng trong nông trại thẳng đứng có trụ sở đặt tại Singapore.

Đối đầu với các thách thức về lương thực trên toàn cầu

Đây có vẻ là một bước đi đầy đột phá đối với một nhân viên ngân hàng – người thường xuyên cảm thấy buồn chán trên đường đi làm. Thật ra, Swan – CEO của Sustenir – chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ dấn thân vào ngành nông nghiệp, chứ đừng nói đến việc làm kinh doanh, kể cả trong “những giấc mơ hoang đường nhất”. Thế nhưng, sau khi đọc bài báo của Despommier và nảy ra ý tưởng độc đáo này, anh biết đó chính là cơ hội để mình “tạo ra bước đột phá đúng đắn”.

“Tôi cảm thấy dường như mọi điều tôi từng làm đều chỉ để dành cho giây phút này”, Swan nói. “Quãng thời gian làm nhân viên ngân hàng đã dạy tôi những kỹ năng quý giá. Tôi cảm thấy đây chính là cơ hội để mình tạo ra sự thay đổi, một cơ hội để tạo ra những đột phá đúng đắn.”

Sản xuất lương thực vẫn đang là một vấn đề nóng hổi trên toàn cầu, đòi hỏi các chính phủ và các tổ chức phải đưa ra những sáng kiến nhằm cải thiện tình hình, đáp ứng nhu cầu của xã hội và giải quyết các vấn đề liên quan tới khí hậu.

Nông trại thẳng đứng có thể là một giải pháp nhằm giảm thiểu diện tích canh tác và khống chế được khí hậu trong nhà (ví dụ: bằng đèn LED). Nhờ vậy, các giống cây trồng ngoại lai có thể sinh trưởng bên ngoài môi trường tự nhiên của chúng, từ đó đem việc sản xuất đến gần với người tiêu dùng hơn. Như trong trường hợp của giống cải xoăn tại Sustenir, Swan cho biết mô hình này có thể gia tăng hiệu quả sản xuất lên gấp 127 lần so với canh tác theo kiểu truyền thống.

“Ngày nay, việc trồng trọt đang gặp phải nhiều vấn đề,” Swan nhận xét. “Chúng ta dựa quá nhiều vào những kỹ thuật cũ đã tồn tại hàng thế kỷ. Trong khi chúng ta đang cố gắng tự động hóa mọi thứ và cải tiến cách máy móc vận hành, thứ chúng ta không thể thay đổi là quỹ đất. Do vậy, mô hình canh tác nhiều tầng này có thể giải quyết được vấn đề.”

Biến trồng trọt trở thành niềm vui

Sustenir chỉ là một trong số nhiều công ty đi theo mô hình canh tác nhiều tầng này trên thế giới, và họ không chỉ dừng lại ở việc thay đổi quy trình trồng trọt cũ kỹ. Các công ty này còn nỗ lực vực dậy cả một ngành nông nghiệp ảm đạm đang chật vật trong việc thu hút lao động trẻ tuổi – những người được cho là thích làm việc ở các thành phố lớn và các không gian làm việc chung hơn là chôn chân ở tỉnh lẻ.

Swan nói rằng anh hy vọng công việc kinh doanh của mình sẽ giúp thay đổi tư duy và giúp các lao động trẻ hứng thú hơn với các cơ hội nghề nghiệp liên quan tới nông nghiệp.

“Nhắc tới trồng trọt là mọi người lại nghĩ ngay đến việc ra đồng và làm việc dưới ánh nắng”, Swan nói. “Chỉ tới khi chúng tôi đưa họ đến nông trại của mình, họ mới thốt lên ‘Ồ, chỗ này hay đấy!’”

“Chúng tôi muốn được nhìn nhận như một công ty công nghệ hơn, bởi chúng tôi đang sử dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời,” Swan nói về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo tại Sustenir và việc phát triển một trợ lý rô-bốt theo thời gian thực để giám sát môi trường nông trại.

 

Thêm vào đó, anh cũng muốn lãnh đạo công ty theo tư duy tiến bộ và trẻ trung. Là một CEO, anh thường tập gym như một thói quen vào buổi sáng, và đó là lúc mà anh trở nên sáng tạo nhất. Swan khuyến khích 30 nhân viên khác trong công ty cũng nên làm theo mình.

“Tôi tạo ra một môi trường cho những người lãnh đạo trong công ty mà ở đó họ có thể tự hoàn thành công việc theo cách mà họ muốn,” Swan nói. “Tôi cho họ tự do. Tôi đặt ra KPI nhưng cho phép nhân viên thực hiện công việc theo cách của họ muốn, nhờ đó họ trở thành chủ của chính mình.”