Được coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của cả nước, nhưng việc quy hoạch và phát triển chợ đầu mối thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bài 1: Hiện trạng “buồn” Song song với sự […]
Được coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của cả nước, nhưng việc quy hoạch và phát triển chợ đầu mối thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài 1: Hiện trạng “buồn”
Song song với sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối hiện vẫn là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu. Hơn nữa, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, trong khi việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn, chưa kể việc phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế.
tr6a.jpg
Chợ đầu mối rau quả Long Biên họp tràn cả mặt đường Trần Nhật Duật mỗi khi màn đêm buông xuống. Ảnh Trần Việt – TTXVN.
80% trái cây không rõ nguồn gốc
Đoàn giám sát của các đại biểu Quốc hội Hà Nội vừa kết thúc đợt khảo sát các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn Hà Nội không có chợ đầu mối được đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch phát triển thương mại TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội định hướng xây dựng mới 5 chợ đầu mối tại các khu vực xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Thạch Thánh, huyện Quốc Oai; xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh; xã Phúc Tiến huyện Phú Xuyên và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.
Hà Nội hiện chỉ có 2 chợ đầu mối, gồm chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai (chợ đầu mối Minh Khai hoạt động từ trước năm 2012). Bốn chợ kinh doanh buôn bán nông sản đang hoạt động có tính chất đầu mối, gồm chợ Long Biên (kinh doanh hoa quả và các loại rau), chợ cá Yên Sở (kinh doanh thuỷ sản), chợ gia cầm Hà Vỹ (kinh doanh gia cầm, thuỷ cầm) và chợ Quảng Bá (kinh doanh hoa).
Các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện 3 chức năng, gồm: buôn bán (bán trực tiếp các mối hàng, các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh, nhà hàng…); sang mạn (hàng hoá được đưa về cho đầu mối và hạ tải, chia nhỏ cung cấp cho các chợ dân sinh) và chợ dân sinh (người dân ở khu vực xung quanh vào mua hàng nhằm phục vụ tiêu dùng hàng ngày).
Mỗi ngày, các chợ đầu mối ở Hà Nội tập kết hơn 4.300 tấn thực phẩm. Trong số này có khoảng 400 tấn thịt lợn, 170 tấn thịt gà, 1.000 tấn thuỷ – hải sản, 2.800 tấn rau củ, quả. Lượng thực phẩm này cũng chỉ đáp ứng khoảng 1,6-3,2% nhu cầu thịt lợn, thịt gà, 20% đối với thuỷ sản và 3,3% đối với rau củ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, có tới 80% trái cây trong chợ đầu mối không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng khi thực tế không ít người bán hàng rong hiện nay cũng lấy nguồn hàng chính từ những chợ đầu mối này.
Theo Đoàn giám sát, các chợ đầu mối ở Hà Nội hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thành phố; khâu kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh còn hạn chế. Phần lớn các rau củ quả được người dân từ các tỉnh, thành chở trực tiếp đến bán tại chợ. Còn hàng hoá tại siêu thị thì được các siêu thị trực tiếp mua của các nhà sản xuất có tên tuổi, thương hiệu.
Bên cạnh đó, nguồn hàng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng từ các tỉnh phân phối cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.
Các chợ đầu mối phần lớn được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất đều xuống cấp như: Nền nhà thấp hơn đường giao thông bên ngoài chợ, hệ thống cống rãnh, thoát nước bị vỡ hỏng, nước thải ứ đọng, mái bị vỡ dột, sửa chữa chắp vá. Ngoài ra, hệ thống điện tại các chợ đầu mối cũng đang trong tình trạng quá tải so với thiết kế, lắp đặt ban đầu. Người dân tự ý mắc thêm các đường điện chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn…
Hơn 2 tỷ đồng/tháng xử lý rác thải
Mỗi đêm 3 chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa các loại; tổng lượng rác bình quân hằng đêm tại ba chợ đầu mối ước đạt 240 tấn, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%. Ban quản lý 3 chợ phải tốn hơn 2 tỷ đồng/tháng (tương đương gần 67 triệu đồng/ngày) để xử lý toàn bộ lượng rác thải này.
tr6.jpg
Hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành xung quanh về các chợ đầu mối tại thành phố ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói, như các loại rau, củ, quả bị héo úa, giập nát, hư hỏng…; không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn tiềm ẩn lây lan nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác. TP. Hồ Chí Minh đang tốn chi phí xử lý rất lớn trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, do không sơ chế đóng gói bảo quản tốt ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị sản phẩm, tỷ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch còn cao, lên tới 30%, đặc biệt là mặt hàng dễ hư hỏng như rau, củ, quả. Với tỷ lệ hao hụt nông sản cao như hiện nay, người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản; nông dân tốn công sức, chi phí hơn để nuôi trồng trong khi lợi nhuận của họ bị hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển, sơ chế.
Hiện trạng hàng hóa chưa được sơ chế hiện nay cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Điều này vô tình làm khó người tiêu dùng trong và ngoài nước trong việc nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Theo kế hoạch “Thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành hai khu vực Đông và Tây Nam Bộ phục vụ hoạt động kinh doanh của 3 chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, thành phố từng bước thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với 3 chợ. “Trong tương lai, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành nhập vào 3 chợ phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác”, bà Trang nhấn mạnh.
Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại
Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hưng Yên… nhưng chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp. Các chợ đầu mối tập trung hình thành ở các vùng có quy mô dân số, có nhiều cơ sở tiêu thụ lớn, là đầu mối giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng. Nhưng, các chợ mới chỉ hoàn thành chức năng tập trung các mối hàng để phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.
Những hạn chế, tồn tại nêu trên khiến mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam chưa tương xứng với vai trò và yêu cầu phát triển ngành thương mại trong nước. Hơn thế nữa, việc thiếu vốn đầu tư cho hệ thống chợ từ ngân sách nhà nước và khó kêu gọi đầu tư nước ngoài cũng như các thành phần kinh tế ngoài nhà nước là một thực tế.
Thực trạng đầu tư xây dựng, quản lý chợ đầu mối nói riêng và chợ địa phương nói chung đang vận hành ì ạch, chưa xứng tầm và kỳ vọng của Chính phủ. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, lũng đoạn thị trường khiến người dân thiếu thông tin và liên tục gặp cảnh “được mùa mất giá” trong nhiều năm qua.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn (cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước).
Các tỉnh, thành tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), Tiền Giang (3 chợ), Hưng Yên (4 chợ), TP. Hồ Chí Minh (3 chợ), Nam Định (3 chợ)…, chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.