Cây duối có tuổi đời hàng trăm năm, thân pháp của cây uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau. Cây duối cổ “Thế võ Bình Định” xuất hiện ở đâu cũng thu hút rất đông giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và đông đảo du khách đến […]
Cây duối có tuổi đời hàng trăm năm, thân pháp của cây uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau.
Cây duối cổ “Thế võ Bình Định” xuất hiện ở đâu cũng thu hút rất đông giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và đông đảo du khách đến xem bởi những yếu tố Cổ – Tinh – Linh – Quái
Tác phẩm duối cổ “Thế võ Bình Định” của Nghệ nhân Huỳnh Thành Tuyên đến từ Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định xuất hiện tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vừa qua đã thực sự gây được ấn tượng với người yêu cây nghệ thuật bởi những đường nét nghệ thuật tinh tường độc đáo khác lạ vượt ra khỏi khuôn khổ chân phương vốn thấy ở một cây duối.
Kể về nguồn gốc của cây duối cổ này, ông Tuyên cho biết, họ Huỳnh đến lập nghiệp ở Bình Định với hai nghề chính là mãi võ và bốc thuốc cứu người nên có rất nhiều duyên nợ với cây duối. Duối được trồng trước cửa nhà họ Huỳnh được dùng là trường côn quyền pháp trong võ thuật vừa là những vị thuốc bí truyền của Huỳnh Gia mà nhiều người không hề biết.
Tác phẩm được nhiều người đánh giá đã đạt đến độ hoàn thiện mỹ mãn từ các yếu tố bệ, rễ, thân, cành, dăm, chi, lá.
“Vì duối là loài cây có sức sống mãnh liệt nên cụ Huỳnh Hữu Tấn đã nung nấu tìm một cây duối cổ, đem về trồng trước nhà nhằm nhắc nhở con cháu, luôn có tinh thần thượng võ và hoàn thiện bốc thuốc cứu người, sống lương thiện.
Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng cụ Tấn cũng tìm được một cây duối cổ thụ mọc ở sườn núi đá treo leo. Cụ cùng con cháu quyết đánh chuyển cây duối cổ về trồng trước của nhà theo mong ước tự bao ngày”, ông Tuyên nói về nguồn gốc của cây duối.
Dù tuổi cao những cụ Tấn vẫn dồn tâm lực để nghiên cứu tạo tác cây duối cổ mang hình tượng một “Thế võ” của người Bình Định. Thân pháp của tác phẩm vừa uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau.
Chỉ có những người am tường về quyền thuật cổ truyền mới giải mã hết sự biết đổi mang tính bí truyền của thân thủ, thân pháp thể hiện trên đường chạy của thân cây.
Tác phẩm đẹp cả tứ diện, mặt nào cũng có những nét kỳ quái nhưng rất hài hòa duyên dáng.
Điều đặc biệt ấn tượng là mỗi người nhìn vào tác phẩm “Thế võ Bình Định” lại gợi ra cho mình những hình tượng kỳ quái khác nhau. Người thì hình dung ra một nàng tiên cá yểu điệu khoe mình trong không gian. Người thì thấy hình tượng một ông lão đang kéo lưới, người thì hình dung ra thế tấn pháp của môn võ Bình Định Gia… Vẻ đẹp từ thân, lá cành toát lên thật vi diệu đã mang đến cho người xem bao suy tưởng về lớp lớp những giá trị nghệ thuật khác nhau.
Gắn bó với tác phẩm tâm huyết này đến khi cụ Tấn về với tổ tiên của Huỳnh Gia đã trao truyền lại tác phẩm độc đáo trên cho nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, một người thợ kim hoàn nổi tiếng tại thị trấn Diêu Trì.
Với nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên mà giới chơi cây cảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn thường gọi thân mật với biệt danh “Tuyên Vàng” thì tác phẩm đuôi cổ mang tên “Thế võ Bình Định” còn quý hơn cả vàng. Nó là gia bảo của Huỳnh Gia, là tình cảm và tâm tư của cha ông muốn gửi gắm cho muôn đời sau, là niềm tự hào của những người con đất Võ.
Có lẽ vì vậy mà tác phẩm này đã có người trả đến 150.000 USD nhưng nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên vẫn dứt khoát chưa bán. Ông chia sẻ: “Nếu tác phẩm “Thế võ Bình Định” gặp được quý nhân đủ “Thiện, Duyên, Tâm, Đức” có ý sở hữu tác phẩm này để gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của ông cha phù hợp hơn anh thì ông mới xem xét nhượng lại.
Ngắm cây duối cổ “Thế võ Bình Định”:
Bộ bông tán được tạo hình theo lối tản vân rất nghệ thuật.
Bộ bệ vững chắc nổi rõ gò ụ tạo ra sự bề thế của cây
Thân pháp hay đường chạy của thân chính vừa uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau
Thân u bướu nu cục cho thấy sự phong sương của năm tháng
Tiểu cảnh đá được phối dưới gốc tác phẩm rất hài hòa bắt mắt.
Theo danviet