Hướng đi mới cho người trồng nho Ninh Thuận

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 1.300 ha trồng nho, nhưng chủ yếu là giống nho đỏ Cardinall và nho xanh NH01-48. Các giống nho này đang trong tình trạng bị thoái hoá nên khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của môi trường và sâu bệnh ngày càng giảm sút, năng suất và […]

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 1.300 ha trồng nho, nhưng chủ yếu là giống nho đỏ Cardinall và nho xanh NH01-48. Các giống nho này đang trong tình trạng bị thoái hoá nên khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của môi trường và sâu bệnh ngày càng giảm sút, năng suất và chất lượng quả giảm dần…
Cận cảnh giống nho mới NH01-125, khi chín trái mang màu đẹp mắt.

Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu chọn tạo giống nho ăn tươi của tỉnh Ninh Thuận”, từ đó giống nho mới NH 01-152 được nghiên cứu lai tạo thành công từ trồng trên gốc ghép của giống nho dại, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các giống nho đỏ Cardinall và giống nho xanh NH01-48 như giai đoạn ra hoa, mặc dù thời tiết nắng nóng gắt, cây nho vẫn đậu được quả; có khả năng chống chịu tốt các đối tượng sâu bệnh; nếu gặp mưa thì khó tụt bông.

Giống nho này thích hợp với nhiều chân đất, nhất là đất phù sa ven sông, đất gò đồi. Mỗi năm thu hoạch hai vụ, năng suất bình quân từ 15 đến 18 tấn/ha/vụ (nếu điều kiện canh tác tốt sẽ đạt từ 20 đến 25 tấn/ha/vụ; năng suất tăng hơn 50% so với các giống nho cũ).

Nho có chùm quả to và dài, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có mùi hương nhẹ đặc trưng; thời gian bảo quản khá dài ngày… nên có nhiều khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các giống nho đến từ Mỹ, Italia, Pháp… Giống nho mới đang góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm nho ăn tươi của Ninh Thuận trong tương lai.

Với kết quả và ưu điểm vượt trội của nhiều mô hình sản xuất giống nho mới NH 01-152 theo quy trình VietGap, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo tiếp tục nhân rộng diện tích trồng giống nho mới, bước đầu là tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm thay thế giống nho cũ đã bị thoái hoá.

Đồng thời, sớm tiến hành thủ tục công nhận sở hữu trí tuệ để làm thương hiệu cho tỉnh và nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân trồng nho trong thời gian tới. Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã trồng hàng chục ha giống nho mới NH 01-152 theo mô hình VietGap nằm rải rác ở các huyện.

Tuy nhiên, giống nho mới NH 01-152 cũng gặp phải những trắc trở ban đầu khi mở rộng diện tích. Việc kiểm soát sâu bệnh gây hại đang gặp khó khăn do đây là giống mới được trồng xem kẽ với những giống cũ. Đất của Ninh Thuận tuy phù hợp với cây nho, nhưng việc sử dụng tràn lan các loại phân bón vô cơ trong thời gian dài đã khiến cho nguồn đất bị bạc màu, cạn kiệt dinh dưỡng.

Nho là giống quả có thể ăn tươi, cho nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phải được kiểm soát chặt chẽ, đủ thời gian cách ly, nhưng thực tế cho thấy, vì nhận thức của người nông dân chưa đầy đủ, vì lợi nhuận trước mắt mà họ đã bỏ qua vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng rất lớn đối với hình ảnh và thương hiệu.
Bên cạnh đó là kỹ thuật sản xuất còn yếu, phương pháp canh tác còn lạc hậu, chưa áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến; các kinh nghiệm về chọn gốc ghép và mắt ghép chưa nhiều cho nên năng suất không ổn định, tỷ lệ cây chết còn cao…

Chính vì thế, giống nho mới chưa được nhân rộng ở quy mô lớn, người nông dân vẫn trồng chủ yếu là 02 giống nho NH01-48 và Red Cardinal. Cơ cấu giống nghèo nàn đã gây bất lợi cho việc canh tranh với các sản phẩm nho nhập ngoại. Để thí điểm và tổng kết nhân rộng giống nho mới, cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp và hệ thống tổ chức Hội Nông dân.

Xuất phát từ thực tế qua quá trình khảo sát, căn cứ vào mục tiêu chung của tỉnh và nhằm tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và cải tạo đất; căn cứ vào đề xuất của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, dự án Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ  xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất Nho hồng (NH01-152) tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận theo hướng an toàn sinh học với diện tích 1,4ha có14 hộ tham gia.

Giống nho mới này có đặc điểm quả có hình bầu dục, vỏ dày, có màu đỏ tươi ở phần cuối của quả và quả nho lớn hơn rất nhiều so với quả nho đỏ quả tròn giống Cardinall và giống nho xanh NH01-48 mà nông dân Ninh Thuận đang trồng nhiều năm qua.

Trọng lượng từ 1,5 đến 1,8kg/chùm. Hiện nay, giống nho ăn tươi NH01-152 được thương lái thu mua tại vườn với giá trên 70 ngàn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá nho đỏ quả tròn. Với năng suất nêu trên và thương lái thu mua tại vườn với giá 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí sản xuất, nông dân thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Mùa đầu tiên nho NH01-152 cho trái rất to nên khi được bán ra thị trường bị người tiêu dùng ngại không dám mua vì tưởng là nho Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, tỉnh Ninh Thuận đã có phương hướng cũng như chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ về phần đầu ra, đồng thời đẩy mạnh quảng bá giới thiệu về giống mới nên sản phẩm dần dần được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Giống nho ăn tươi NH01–152 có thể trồng được trên nhiều chất đất khác nhau, có khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu nắng nóng của địa phương, khả năng kháng sâu bệnh tốt.
Thời gian sinh trưởng từ khi cắt cành đến thu hoạch khoảng 110 đến 120 ngày; tỷ lệ đậu quả cao, tùy theo chế độ canh tác khối lượng quả nho từ 5,0 đến 8,0 gram, năng suất bình quân từ 15 đến 18 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 20 đến 25 tấn/ha/vụ. Chất lượng của giống này tương đương so với sản phẩm cùng loại từ nước ngoài nhập vào thị trường Việt Nam.
Với những ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, khi chín trái mang màu đỏ vang đẹp mắt, cộng với việc sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, giống nho ăn tươi NH01-152 đang sẽ mang lại giá trị cao hơn hẳn so với giá nho đỏ quả tròn hiện nay.
Minh Thư