Khoai mỡ Long An chinh phục thị trường Nhật Bản và EU

Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, khoai mỡ Long An từng bước chinh phục được những thị trường khó tính, như Nhật Bản, EU… Khác với thời gian trước chỉ mua bán nhỏ lẻ, 3 năm trở lại đây, cây khoai mỡ đã tiêu thụ được số lượng lớn. Cả hai chủng […]

Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, khoai mỡ Long An từng bước chinh phục được những thị trường khó tính, như Nhật Bản, EU…

1_khoai_mo_vov_emds

Khác với thời gian trước chỉ mua bán nhỏ lẻ, 3 năm trở lại đây, cây khoai mỡ đã tiêu thụ được số lượng lớn. Cả hai chủng loại khoai mỡ trắng và khoai mỡ tím đều mang lại sản lượng cao. Trong đó, khoai mỡ trắng với giá trung bình 11.000 đồng/kg đã luôn mang lại nguồn lợi ổn định.

Đến thời điểm này, cây khoai mỡ ở huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) không chỉ có đầu ra ổn định khi cung cấp cho một số đầu mối tại Tây Ninh, Đà Lạt, có mặt hầu hết nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước mà đã nhận được đơn hàng từ phía Nhật Bản, Trung Quốc.

Ông Phan Thành Dũng, ấp Đông Hòa, An Thới Đông, huyện Thạnh Hóa một người trồng khoai mỡ chia sẻ: với 7 ha, riêng hộ của ông có thể xuất đi 15 – 20 tấn mỗi ngày. 4 năm qua, năm nào cũng mang lại cho gia đình ông cũng thu nhập từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

khoai mo long an chinh phuc thi truong nhat ban va eu hinh 1Ông Phan Thành Dũng, ấp Đông Hòa, An Thới Đông, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) giới thiệu khoai mỡ.
Tiếp sức giúp bà con nông dân tiêu thụ được số lượng lớn nông sản trồng được, ông Dũng đã xin thành lập Hợp tác xã Bến Kè, đến nay đã tập hợp được 12 thành viên. Sau 2 năm đi vào hoạt động, tuy còn nhiều khó khăn, bước đầu thương hiệu khoai mỡ Thạnh Hóa đã vươn xa bước đầu đã chạm ngõ thêm được những thị trường khó tính khác như Trung Đông, Châu Âu…

“HTX thu mua sớm hơn của người trồng, mua cao hơn giá bên ngoài 1.000 – 2.000 đồng/kg, HTX hướng theo tiêu chuẩn VietGap và lo cả đầu ra” – ông Dũng nói.

Liên tục 3 năm nay, khoai mỡ đều có giá. Ông Phan Hoàng Việt, ấp Đông Hòa, xã An Thới Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An một trong những nông dân đi kinh tế mới cho biết, dù chỉ mới canh tác 2 ha, nhưng sau khi trừ chi phí gia đình ông vẫn có lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm. Có thu nhập cao, ổn định, do đó toàn bộ người dân đã chuyển đổi toàn bộ từ trồng khóm, tràm, hoa màu, lúa sang trồng khoai mỡ tiêu chuẩn VietGap chất lượng cao.

“Trước nhà thì khu này lụp xụp, hiện nay khoai có giá nên hơn 70% bà con đều đã có nhà xây. Cuối năm nay xã được nhận xã nông thôn mới nên hiện chính quyền địa phương đã đầu tư hệ thống bao đê, đường cầu cũng tốt. Riêng 30% dọc các tuyến kênh đều đã có đường lộ hết” – ông Việt chia sẻ.

Đến thời điểm này, xã An Thới Đông đã được Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An và chính quyền địa phương quy hoạch thành vùng chuyên canh khoai mỡ với diện tích hơn 1.000 ha. Trong 3 năm gần đây giá khoai mỡ ổn định, nhờ đó nông dân có thể thu nhập từ 70 đến 150 triệu đồng/ha. Với thương hiệu Bến Kè, khoai mỡ của địa phương đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước.

khoai mo long an chinh phuc thi truong nhat ban va eu hinh 2Với nhiều tiềm năng, khoai mỡ Long An có thể phát triển nhân rộng.
Theo bà Mã Thanh Điền, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, địa phương giúp nông sản của bà con có chỗ đứng ổn định ở các thị trướng lớn. Tuy nhiên, việc sản xuất, xuất khẩu khoai mỡ vẫn còn nhiều khó khăn do chỉ mới dừng ở xuất khẩu sản phẩm thô, chưa có hệ thống sơ chế bảo quản.

“Để phát triển ổn định thì phải có những công đoạn hỗ trợ về kỹ thuật, xử lý những bệnh như bệnh mục đầu củ hoặc giống hiện nay canh tác trong một thời gian dài có biểu hiện thoái hóa. Thời gian tới, địa phương đang rất cần hệ thống sơ chế, thu hoạch khoai mỡ bằng công nghệ máy móc để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giảm bớt chi phí về nhân công” – bà Điền cho biết.

Toàn tỉnh Long An hiện có trên 3.000 ha trồng khoai mỡ, tập trung chủ yếu ở huyện Thạnh Hóa, năng suất đạt 56 tạ/ha. Nếu cây khoai mỡ có giá trung bình từ 15.000-16.000 đồng/kg thì có thể mang lại lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng/ha. Tiếp tục giữ vững được giá ổn định như vậy tỉnh Long An có thể phát triển gấp đôi diện tích chuyên canh khoai mỡ lên đến gần 6.000 ha trong thời gian tới.

Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã và đang tập trung hướng dẫn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã về quy trình sản xuất công nghệ cao để tạo ra sản phẩn an toàn, chất lượng đạt đúng tiêu chuẩn VietGap. Trong nhiều đợt triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại nông sản sạch an toàn, khoai mỡ của bà con nông dân luôn được tạo điều kiện tiếp cận với đối tác để mở rộng đầu ra.

“Tiêu thụ khoai mỡ thì bước đầu đã có qua được thị trường như Nhật Bản. Để nâng cao giá trị sản phẩm, thì Sở Nông nghiệp cũng đang phối hợp với HTX Bến Kè, huyện Thạnh Hóa nghiên cứu để đưa ra những phương thức sơ chế, bảo quản đóng gói giúp sản phẩn đạt yêu cầu để xuất khẩu sang Nhật Bản và một một số nước EU” – ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết.

Với việc định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khâu sơ chế giúp nông sản khoai mỡ có chỗ đứng ở những thị trường mới của tỉnh Long An và huyện Thạnh Hóa hi vọng trong thời gian tới loại nông sản này tiếp tục mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững./.