Dưới đây chỉ là những kinh nghiệm của chính tôi và học hỏi được qua sách báo nếu có thể còn nhiều thiếu sót mong mọi người thông cảm và góp ý để bài viết thêm sâu sắc hơn. 1. Mùa sinh sản của họa mi – Mùa sinh sản của họa mi bắt đầu […]
Dưới đây chỉ là những kinh nghiệm của chính tôi và học hỏi được qua sách báo nếu có thể còn nhiều thiếu sót mong mọi người thông cảm và góp ý để bài viết thêm sâu sắc hơn.
1. Mùa sinh sản của họa mi
– Mùa sinh sản của họa mi bắt đầu khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch đến giữa tháng 8 là đã có chi con rồi.
– Tổ của chúng thường làm ở những lùm cây ở các đồi trọc hay những cây cao. Tổ họa mi rất kín đáo trên những chảng ba của cây hay nơi có nhiều cành nhỏ đan xen nhau.
– Mỗi lứa chúng đẻ khoảng 3 – 4 trứng, một điều lạ là chim trống và mái thay nhau ấp đến khi trứng nở. Mỗi mùa sinh sản họa mi đẻ được vài ba lứa. Họa mi là giống chim rất chung thủy, trống mái lúc nào cũng kề cận nhau như hình với bóng.
2. Mùa thay lông
– Mùa thay lông của họa mi kéo dài từ 2 – 3 tháng mới xong.chim nào yếu thì thay trước, chim nào khoẻ thì thay sau. Mùa thay lông của họa mi nuôi nhốt không trùng với chim ngoài trời.
– Khi họa mi bắt đầu thay lông ta cần phải có một kế hoạch cho chúng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho chúng có thể hoàn thành việc thay lông của mình.
+ Lồng chim phải được phủ cả ngảy, treo vào nơi yên tĩnh.
+ Tuyệt đối không cho nghe hoặc nhìn thấy chim mái.
+ Nên cho ăn cào cào, loại cào cào già để chúng thay lông cho nhanh.
+ Vài ba ngày cho chim sưởi nắng sáng khoảng 15 – 20 phút. Khi lớp lông mới đã phủ nhiều ta cần tháo bớt khăn chùm lồng.
– Điều đặc biệt nguy hiểm là chim mắc phải chứng thay lông bất định kì, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này:
+ Nuôi dưỡng không đúng mức: không đủ chất, bữa đói bữa no, thay đổi thức ăn đột ngột.
+Thiếu chăm sóc: lâu không cho chim tắm nắng, tắm nước.
+ Di chuyển xa đột ngột: cá nhân tôi đã từng di chuyển một con họa mi từ Hà Nội vào trong Nam, khoảng tuần đầu chim vẫn ăn uống hót nhưng sau đó suy dần và cuối cùng chết. Kể ra chuyện này là muốn những ai chưa nắm nhiều kinh nghiệm về nuôi chim thì có thể tránh khỏi nguy cơ xấu nhất.
3. Phân biệt chim trống, mái
Thường thì với loài chim con trống thường sặc sỡ, bắt mắt nhưng với họa mi thì khác. Chim trống và mái giống nhau như hai giọt nước nhưng cũng có một số kinh nghiệm có thể tin cậy được.
– Quan sát những sợi râu đen như râu mèo của chúng, nếu là trống thì những sợi này mọc xuôi theo chiều mỏ còn chim mái thì mọc ngang.
– Quan sát tổng thể hình dáng: thường thì chim mái và trống còn có nhiều điểm khác nhau, chim mái thường đầu nhỏ, thân hình mảnh khảnh, chân nhỏ… , chim trốg thì vạm vỡ, đầu to… Nhưng để quan sát như vậy thì rất khó, vì ta dễ bị hoa mắt với hàng chục hàng trăm con ở trong lồng. Quan sát con chim khác quan sát con ngựa, con chó ở chỗ, với ngựa hay chó thì càng nhìn kĩ càng thì sẽ thấy rõ những điểm tốt và xấu.
4. Cách pha chế thức ăn
– 1 lon tấm gạo (250g)
– 5 trứng gà.
– 1 muỗng cafe đường cát.
– 2 muỗng cafe bột sò và xương.
– Rang tấm bằng chảo dưới lửa nhỏ đến khi hơi vàng bắt chảo xuống tiieesn hành cho ngay 5 quả trứng vào tấm, rắc đường bột sò vào và trộn đều sau đó đem phơi khô. Nếu tấm bị vón cục lại ta cần bóp nhuyễn ra.
* Lưu ý: nhiều người chỉ sử dụng lòng đỏ trứng gà nhưng theo quan điểm cá nhân và cũng dựa vào kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân nuôi chim thì ta có thể sử dụng cả lòng trắng trứng chim vẫn khoẻ mạnh và còn đẹp mã, bóng lông.
– Ngoài ra mỗi ngày cần bổ sung thêm thức ăn tươi cho chim họa mi có thể là cào cào, sâu tươi…tuyệt đối không cho họa mi ăn sâu khô vì giọng chim sẽ hư, khàn.
– Cần nói thêm chim họa mi cũng dễ nuôi vì có người cho ăn cả bột đậu, nhưng giọng mi trở nên khàn vì có nhiều chất dầu.
5. Thuần dưỡng họa mi bổi
– Theo giới nuôi chim thì chim “bổi” là chim rừng đánh bẫy về còn nhát người, người ta còn gọi những chim đánh bẫy về được khoảng dăm bữa nửa tháng là chim “bổi” lỡ, nghĩa là chim đã chịu ăn và tỉ lệ sống khi ta nuôi sẽ cao hơn , vì vậy giá cả có nhích hơn chút đỉnh.
– Tập cho chim dạn dần: họa mi bổi rất nhát người,chúng không như chim chích choè lửa rất mau dạn, với họa mi thì tránh cho chim gặp người trong tuần lễ đầu, trừ khi tiếp tế thức ăn cho chúng. Muốn vậy cần trùm áo lồng và treo vào nơi yên tĩnh, ta sẽ hé áo dần trong khoảng 10 ngày sau.
– Nên cho chim bổi ăn no đủ và bổ dưỡng: bước đầu ta chỉ mong cho chim chịu ăn là mừng rồi, sau đó mới nghĩ tiếp chuyện tập cho dạn dĩ với người. Hàng ngày nên cung cấp đủ cào cào, sâu tươi trộn chung với tấm gạo. Từ từ chúng sẽ quen mồi sau đó cắt dần lượng cào cào hoặc sâu tươi. Nhưng phải để ý xem con chim bổi của ta đã chịu ăn tấm rang chưa. Theo kinh nghiệm riêng thì ta nhìn phân chim thường chúng ăn tấm thì phân có màu trắng hoặc hơi vàng.khác với khi ăn cào cào (sâu tươi) thì phân sẽ còn lại chút ít xác cào cào hay sâu tươi.
– Ngoài ra cần chăm sóc chu đáo, họa mi bổi cũng cần tắm nắng và tắm nước nhưng trong khoảng thời gian ngắn khoảng 15 – 20 phút.