Kỹ thuật nuôi gà đen Ayam Cemani

Gà Ayam Cemani là một giống gà quý, có sức đề kháng cao và là đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi. Chuẩn bị chuồng trại Chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát, ấm mùa đông, mát mùa hè. Nên làm chuồng cao 2,5 – 2,8 m, chia […]

Gà Ayam Cemani là một giống gà quý, có sức đề kháng cao và là đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi.

Chuẩn bị chuồng trại

Chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát, ấm mùa đông, mát mùa hè. Nên làm chuồng cao 2,5 – 2,8 m, chia làm hai phần, gồm chuồng ở và sân chơi. Chuồng ở có mái, trong chuồng cần bố trí thanh ngang gác cao để gà nhảy lên ngủ khi đêm xuống. Sân chơi phải gấp đôi chuồng ở, có đổ cát vàng để vệ sinh sạch và gà đẻ trứng thì không vỡ. Độ dày cát khoảng 5 – 7 cm. Chuồng trại và dụng cụ nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch. Tường quét vôi nồng độ 40%, nền chuồng được tiêu độc bằng xút 2% với liều lượng 1 lít/m2 hoặc bằng các loại thuốc sát trùng khác.

Dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, quây úm, chụp sưởi…) và các dụng cụ khác (xẻng, xô, thúng, bình phun sát trùng…) đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi gà, không dùng chung lẫn lộn với các mục đích khác, các dụng cụ đảm bảo dễ vệ sinh và tẩy rửa sát trùng sau mỗi lần sử dụng.

Chuẩn bị máng ăn, máng uống

Máng ăn: Khi gà lớn dần và được 4 – 14 ngày tuổi thì sử dụng máng cho gà con. Từ 15 ngày tuổi trở đi có thể sử dụng máng treo cho gà. Máng ăn: Có hai loại là máng tròn và máng dài, ngoài ra gà con nuôi trong 28 ngày đầu phải dùng khay ăn. Máng dài có thiết diện hình thang, đáy nhỏ 5 – 8 cm, miệng rộng 7 – 13 cm, chiều dài của máng 1 – 1,5 m, cao 3 – 4 cm, có đế vững chắc tránh rơi vãi thức ăn. Máng tròn có thể bằng nhựa hoặc bằng tôn. Khay ăn cho gà con kích thước  60 x 80 cm, thân cao 2 – 3 cm, cho 90 – 100 gà.

Máng uống: Máng tròn (gallon) gồm phần đáy và thân lắp vào nhau, làm bằng nhựa, thể tích máng tuỳ theo loại gà; máng dài có độ dài tương đương với máng ăn nhưng thiết diện nhỏ hơn.

Đối với máng uống thì đặt xen kẽ với các máng ăn trong vườn hoặc chuồng, mỗi ngày thay 2 – 3 lần nước sạch để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho sự phát triển của gà.

 

Con giống

Chọn con 1 tháng trở lên. Phải đen toàn bộ, kiểm tra mỏ hoặc hậu môn xem có đen không. Mắt gà Ayam Cemani  hơi dẹp, khác hẳn so những loài gà khác và nên chọn con nào trông lanh lợi thì mới là con giống tốt. Gà giống 1 ngày tuổi khi nhập nuôi phải có hồ sơ nguồn gốc đầy đủ từ nơi bán (hóa đơn, giấy kiểm dịch thú y). Con giống phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn giống (đặc điểm màu lông, màu da chân, trạng thái sức khỏe và không có dị tật). Con giống nhập về nếu trong khu chăn nuôi có gà đang nuôi thì phải nuôi cách ly tại chuồng tân đáo ít nhất 2 tuần theo dõi, đảm bảo an toàn mới đưa vào chuồng nuôi chính.

 

Phương pháp úm gà

Khi gà đang còn nhỏ thì nên làm lồng úm để đảm bảo cho sự phát triển của gà tốt nhất. Chuồng úm nên ở đầu hướng gió, cách ly xa chuồng bố mẹ để tránh lây nhiễm bệnh. Sử dụng các cót tre quây lại, rải lớp trấu 7 – 10 cm lên trên nền chuồng để úm. Ánh sáng cần đảm bảo và rộng khắp để tránh gà tập trung một chỗ, tốt nhất nên sử dụng 1 bóng hồng ngoại để sửa ấm hoặc hai bóng 75 w cho 100 – 200 gà.

 

Thức ăn

Thức ăn phải được phối chế cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của gà trong giai đoạn. Khẩu phần ăn có thể phối chế đa nguyên liệu, sử dụng thức ăn bổ sung đạm động vật, thực vật, premix khoáng vi lượng và vitamin. Thức ăn và nguyên liệu thức ăn (ngô, cám gạo, thóc, khô dầu, bột cá, bột vitamin, bột xương, khoáng) khi sử dụng phải đảm bảo không mốc, không vón cục, không lẫn tạp chất. Thức ăn hỗn hợp viên phải có nhãn mác rõ ràng và còn hạn sử dụng. Nên sử dụng thức ăn của các hãng sản xuất có tín nhiệm trên thị trường. Khi bảo quản trong kho, thức ăn hỗn hợp và nguyên liệu thức ăn phải xếp riêng từng loại và có kệ kê cao cách mặt nền 20 cm và cách tường 20 cm. Không để thuốc sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật và xăng, dầu trong kho chứa thức ăn chăn nuôi.

 

Nước uống

Nguồn nước uống có thể lấy từ giếng khoan, giếng đào, nước máy công cộng. Không sử dụng nguồn nước từ sông, suối, ao hồ. Nước giếng phải được kiểm tra phân tích để đảm bảo nước sạch không có vi khuẩn gây hại như E coli, Coliform và không có kim loại nặng gây độc như thủy ngân, chì, thạch tín và sắt. Nếu sử dụng thì phải có các thiết bị lọc kim loại nặng và sát khuẩn. Nước dùng phải chứa trong bồn hoặc trong bể có nắp đậy và dẫn vào chuồng nuôi bằng hệ thống ống nhựa đảm bảo chắc chắn, an toàn. Nước rửa chuồng, làm mát chuồng, rửa dụng cụ phải sử dụng nước giếng hoặc nước máy, không sử dụng nước từ ao hồ bên ngoài.

 

Vệ sinh phòng bệnh

Cần vệ sinh sạch sẽ từ chuồng trại cho tới máng ăn, đảm bảo 3 sạch: Ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Đồng thời cần vệ sinh luôn khu vực lân cận để không ảnh hưởng tới sức khỏe gà: Phải thực hiện triệt để mặc bảo hộ lao động khi vào khu chăn nuôi (có quần áo mặc riêng, đi ủng, đội mũ); hố sát trùng trước cửa chuồng thường xuyên có vôi bột hoặc các chất sát trùng phù hợp; định kỳ phun sát trùng xung quanh khu chăn nuôi (1 tuần/lần hoặc muộn hơn) tùy theo tình hình dịch tễ; thực hiện sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ, thiết bị trước khi chăn nuôi, trong khi chăn nuôi và sau khi bán sản phẩm hoặc di chuyển đàn gà sang các nơi khác.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gà theo lịch hướng dẫn: 3 – 5 ngày tuổi ngừa dịch bằng thuốc IB 1 liều/ con. Gà 7 – 10 ngày tuổi ngừa bệnh Gumboro 1 liều/con nhỏ vào mắt. Gà 21 ngày tuổi ngừa dịch tả. Ngoài ra, người nuôi nên phòng bệnh cầu trùng bằng một số loại thuốc như anticoc, Acicoc, hay ESB vào thời điểm gà 10 – 13 ngày tuổi và 18 – 20 ngày tuổi.