Bò sữa, bò thịt là nhóm gia súc có dạ dày 04 túi nên tiêu hóa khác với các loại động vật khác, đặc biệt là nhóm động vật ăn nhiều thức ăn thô xanh nên việc bổ sung Ure vào thức ăn làm tăng khả năng hấp thu nito giúp cho con vật tiêu […]
Bò sữa, bò thịt là nhóm gia súc có dạ dày 04 túi nên tiêu hóa khác với các loại động vật khác, đặc biệt là nhóm động vật ăn nhiều thức ăn thô xanh nên việc bổ sung Ure vào thức ăn làm tăng khả năng hấp thu nito giúp cho con vật tiêu hóa tốt thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên nhiều người chăn nuôi còn thiếu về kỹ thuật bổ sung ure cũng như chủ quan sử dụng không đúng liều lượng nên làm cho con vật bị ngộ độc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn bò.
Urê là một trong những chất chứa nitơ vô đạm, đã được sử dụng từ lâu và rất rộng rãi trong chăn nuôi bò nói riêng và loài gia súc nhai lại nói chung. Sở dĩ loài gia súc nhai lại sử dụng được urê bởi vì, trong dạ cỏ của chúng có các quần thể vi sinh vật có khả năng biến đổi, phân giải nitơ trong urê và tổng hợp nên các chất đạm có giá trị sinh vật học cao, cung cấp cho cơ thể.
Có thể sử dụng urê theo một số cách như trộn vào thức ăn hỗn hợp, trộn với rỉ mật đường, trộn với một số thành phần làm bánh dinh dưỡng và ủ rơm (hoặc cỏ) với ure để làm thức ăn cho bò.
Biện pháp đơn giản đã được nhiều người chăn nuôi áp dụng đó là kỹ thuật ủ rơm (khô hoặc tươi) với Ure, trên thực tế đã có rất nhiều người thực hiện song do ủ không đúng nên đã bị hỏng, chất lượng không đảm bảo. Nếu chất lượng không dảm bảo khi cho bò ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bò hoặc nhẹ thì làm cho bò bị tiêu chảy. Vì vậy người chăn nuôi cần lưu ý thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật về cách ủ, bảo quản và cách cho ăn.
Nguyên liệu gồm rơm 100 kg, urê 4 kg, vôi tôi 0,5 kg, nước sạch 70 – 100 lít. Có thể ủ trong hố ủ hoặc ủ trong túi nilon tùy điều kiện cụ thể của hộ chăn nuôi, tốt nhất nên xây hố ủ để đảm bảo được thời gian lâu dài.
Cách ủ: Đem Urê và vôi được hoà vào nước cho tan đều, nếu ủ trong hố thì rải rơm từng lớp một dày khoảng 20cm rồi tưới nước urê đã hoà lẫn vôi sao cho đều rơm, đảo qua đảo lại để rơm ngấm hết lượng nuớc vừa tưới, rồi dùng chân nén chặt. Sau đó phủ nilông thật kín để ngăn không khí, nước mưa lọt vào và khí amoniac trong hố ủ bay ra. Nếu ủ trong túi nilon thì trình tự cũng làm tương tự như trên nhưng chú ý ủ bằng túi nilon thì sau khi ủ xong phải buộc chặt miệng túi và nên phủ bên ngoài túi bao tải sợi dai chắc. Sau khi ủ xong để nơi sạch sẽ thoáng mát, tránh nắng, mưa, ẩm ướt.
Thời gian ủ mùa hè sau 2 tuần và mùa đông sau 3 tuần thì lấy rơm ra cho bò ăn. Cách sử dụng lưu ý lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa, lấy xong lại đậy kín hố hay buộc chặt túi. Rơm ủ bằng phương pháp này có thể dự trữ và bảo quản trong vòng 6 tháng. Chất lượng rơm ủ: rơm sau khi ủ có chất lượng tốt là rơm có màu vàng đậm, mềm và ẩm, mùi urê, không có mùi mốc.
Phương pháp cho ăn cần lưu ý đối với bò lần đầu ăn rơm ủ urê thì phải tập dần cho ăn ít một do mùi đặc trưng của amoniac khiến bò chưa quen ngay. Lấy rơm ủ ra dải dưới bóng mát khoảng 1 tiếng đồng hồ để mùi urê bay bớt rồi hãy cho bò ăn hoặc trộn lẫn với thức ăn khác (trộn 1-2 kg cỏ xanh lên lớp trên để hấp dẫn trâu bò, khi bò đã quen ăn rơm ủ urê thì cho ăn bình thường.
Về số lượng cho ăn đối với bò nuôi tăng trọng cho ăn tự do, đối với bò vắt sữa có thể thay thế cho ăn rơm ủ bằng 20% khối lượng thức ăn thô xanh. Nên cho ăn nhiều rơm đã chế biến nhất là vào mùa đông. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đủ lượng thức ăn xanh cần thiết cho bò nhất là bò sữa đang trong thời gian khai thác và trong quá trình cho ăn nên theo dõi tình hình sức khoẻ của chúng để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.
Trường hợp đến mùa thu hoạch nếu thời tiết không nắng có thể ủ rơm tươi với Ure để dự trữ thức ăn, về phương pháp giống như trên song lượng ure giảm số lượng khoảng 1,5 – 2kg/100kg rơm tươi. Khi ủ rơm tươi cần lưu ý do rơm còn tươi non có nhiều đường glucoza nên nếu độ ẩm thấp (rơm đã khô một phần mà không cho thêm nước) và nhiệt độ cao (cho rơm vào hố ủ lúc trưa nắng) thì độc tố 4-methyl-imidazol sẽ được hình thành do phản ứng giữa glucoza và NH3 phân giải từ urê, có thể gây độc cho bò.
Một lưu ý nữa là chỉ nên sử dụng urê cho bò sữa, bò thịt trong giai đoạn bò trưởng thành không nên sử dụng cho gia súc non, vì dạ cỏ của chúng chưa phát triển hoàn chỉnh./.
Đỗ Thế Mạnh – Trạm khuyến nông Gia Lâm (Nguồn: theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Công ty cổ phần công nghệ sinh học thú y (BiotechVET))