Ngành gia cầm châu Á: Đối mặt làn sóng Covid mới

Nhiều quốc gia châu Á đang chật vật đương đầu đại dịch COVID-19 khi chủng virus mới xuất hiện. Ấn Ðộ hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành gia cầm châu Á cũng phải chao đảo. Thiếu lao động Ngành gia cầm Thái Lan cần 10.000 công nhân […]

Nhiều quốc gia châu Á đang chật vật đương đầu đại dịch COVID-19 khi chủng virus mới xuất hiện. Ấn Ðộ hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành gia cầm châu Á cũng phải chao đảo.

Thiếu lao động

Ngành gia cầm Thái Lan cần 10.000 công nhân nhưng hạn chế đi lại giữa các vùng biên giới khiến thiếu hụt lao động trầm trọng, theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến gia cầm Thái Lan. Ðây thực sự là một cuộc khủng hoảng vì nhiều công nhân từ Myanmar không thể quay lại Thái Lan làm việc, ngoài ra cũng có nhiều lao động không muốn làm việc tại các lò giết mổ gia cầm. Do đó, các nhà máy không thể hoạt động hết công suất thông thường, Gordon Butland, Giám đốc G&S Agriconsultants tại Thái Lan cho hay. Ông hy vọng các gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Thái Lan thời gian tới sẽ cứu vãn ngành gia cầm bởi hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đang giảm nhẹ. Năm ngoái, Chính phủ đã thực hiện chương trình tiền phụ trả để trợ cấp 50% chi phí mua thực phẩm và hàng hóa tại các cửa hàng nhỏ nhằm thúc đẩy nền kinh tế nội địa. Rất may, trong tháng 3, xuất khẩu gia cầm của Thái Lan tăng trưởng tốt tại Trung Quốc, Nhật Bản và EU.

Tại Ấn Ðộ, nhiều nhà sản xuất cho biết, mối lo ngại lớn nhất hiện nay của họ chính là sức khỏe của nhân viên. Naveen Pasuparthy, Giám đốc liên doanh tại Công ty Nanda Group nói rằng các đợt phong tỏa đã thúc đẩy doanh số bán hàng trên các kênh online nhưng Công ty vẫn lo lắng đến tình hình sức khỏe của các nhân viên phải trực tiếp tiếp xúc với khách hàng.

Ngành gia cầm châu Á đang khủng hoảng vì làn sóng COVID mới – Ảnh: Thepoultrysite

Chi phí tăng, tiêu thụ giảm

Rey Chiang, Tổng Giám đốc Biotech Farms, một hãng sản xuất heo và trứng gia cầm tại Mindanao, Philippines cho biết, virus corona và Dịch tả heo châu phi (ASF) đã đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Tất cả các chi phí phụ trội này làm tăng gánh nặng và ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng đây không phải thời điểm tăng giá, nhất là với nhóm hàng thiết yếu cơ bản. Trong khi đó, phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ. Các hãng sản xuất cũng phải đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến dịch cúm gia cầm như lệnh cấm nhập khẩu để ngăn chặn virus cúm lây lan từ gà giống nhập ngoại hoặc trứng ấp từ các nguồn cung truyền thống. Ông Gregorio San Diego, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Philippines cho biết, COVID-19 và dịch cúm khiến sản lượng gia cầm giảm 50% và ông đang lên kế hoạch thu hẹp sản xuất trứng 30% vì sắp tới thị trường sẽ dư thừa nguồn cung. Ông cũng lo ngại các chính sách mâu thuẫn của Chính phủ về COVID-19 sẽ khiến các trang trại không thể lên kế hoạch sản xuất chắc chắn trong tương lai.

Giám đốc Công ty Paragon Group Moshiur Rahman cho biết, tiêu thụ thịt gia cầm tại Bangladesh đã giảm 50% do thu nhập của người dân giảm và COVID-19. Công ty này mở thêm kênh bán hàng online từ năm ngoái, nhưng theo Rahman, nhu cầu tiêu thụ hiện nay gần như không có. Thêm nữa, nhiều nông dân đã giảm tái đàn, dẫn đến giá gà con giảm 50% và sản xuất tổng thể giảm 70%. Năm ngoái, thị trường gia cầm gặp khó do COVID-19 nhưng tình hình đã được cải thiện khi doanh số bán hàng tăng cao từ tháng 10 – 12. Tuy nhiên, diễn biến tương tự đó chưa chắc sẽ xảy ra vào năm nay bởi COVID-19 đang diễn biến khó lường.

Người nuôi gia cầm tại Sri Lanka khá thận trọng tái đàn trước diễn biến COVID-19. Bairaha Farms, Tổng Giám đốc Dịch vụ marketing Claver Fernando cho biết, giá gà con đã giảm từ đầu tháng 5 khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên dẫn đến nhiều vùng trên cả nước bị phong tỏa. Sự bất ổn này, theo ông Fernando giải thích, đang khiến cho nông dân lưỡng lự tái đàn và bán tống bán tháo gà đang nuôi. Giá gà bán tại cổng trại giảm mạnh còn 0,82 USD/kg, Fernando nói.

 

Diễn biến tích cực

Tại Pakistan, áp lực dịch bệnh đã hỗ trợ giá gia cầm tăng cao mặc dù tiêu thụ giảm. Tổng Giám đốc Công ty Islamabad Munawar Ali cho biết, tổng sản lượng gia cầm đã giảm do dịch bệnh lây lan như viêm phế quản truyền nhiễm (IB). Ðiều đó làm giảm nguồn cung gà con và thịt gà. Theo ông Ali, giá gà con đã tăng lên 0.21 USD/con còn giá thịt gà tăng lên 0,49 USD/kg. Nông dân nào còn đàn gà khỏe mạnh thì doanh thu vẫn tốt dù tiêu thụ giảm. Ông Ali hy vọng rằng, các chiến lược triển khai vaccine COVID-19 ngày càng gia tăng tại Pakistan sẽ giúp cải thiện tình hình thị trường gia cầm vào quý 4 năm nay.

Trong khi đó, tại Indonesia, nhu cầu tiêu thụ thịt gà không giảm bất chấp COVID-19, thậm chí doanh số đã phục hồi từ quý IV/2020. Nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng và các hãng sản xuất gia cầm kỳ vọng đạt lợi nhuận tốt trong năm nay. Perwiratama Group, một hãng gia cầm tên tuổi từ West Java đang lạc quan về hoạt động kinh doanh của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh (QSR) và các cơ sở chế biến thịt gà sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Ông M Wahyudin, CEO tại Ceep cho biết, kinh doanh QSR của hãng này tăng đáng kể từ tháng 2 – 4/2021. Suốt thời gian này, doanh số từ dịch vụ ăn uống trực tiếp tại nhà hàng vượt doanh thu online. Chính phủ linh hoạt quy định khung thời gian được phép hoạt động cho chuỗi dịch vụ thực phẩm, thay vì đóng cửa toàn bộ. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và khách hàng. Mặc dù sức mua đang phục hồi, ông Wahyudin nhận thấy người tiêu dùng hiện nay cẩn thận hơn trước đại dịch.

>> Khi đối mặt làn sóng COVID-19 thứ 2, ông Fernando, trang trại Bairaha Farms, Sri Lanka nói rằng, những hãng gia cầm đã thấm thía bài học từ năm ngoái và sẽ không tiêu hủy vật nuôi quá sớm. Họ đều nhận thức được rằng, nhu cầu tiêu thụ gia cầm sẽ không giảm và khi nào không còn phong tỏa diện rộng, chuỗi cung ứng lại mở.

Tuấn Minh

(Tổng hợp)