Đưa ra nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định, doanh nghiệp nội là đối tượng ưu tiên nhắm đến vì có lợi thế am hiểu sân nhà. “Hẻo” vốn đầu tư vẫn mang về 261 tỷ USD xuất khẩu Mặc dù […]
“Hẻo” vốn đầu tư vẫn mang về 261 tỷ USD xuất khẩu
Mặc dù thời gian gần đây, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã nhiều hơn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn ít. Hiện cả nước mới có hơn 7.000 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước, dù đã tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Không chỉ vốn đầu tư của doanh nghiệp, mà ngay cả “vốn mồi” ngân sách và tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành nông nghiệp vẫn còn nhỏ bé. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, 10 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 632.000 tỷ đồng, bằng 1,9% GDP và bằng 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước.
Mặc dù được đầu tư ít ỏi, nhưng nông nghiệp vẫn có được sự phát triển vững vàng suốt 10 năm qua, |
Chưa có sự đầu tư xứng đáng, hạ tầng nông nghiệp yếu kém là lý do khiến lĩnh vực này trở nên kém hấp dẫn do suất đầu tư cao, trong khi rủi ro rất lớn, thị trường thiếu bền vững.
“Dù các sân bay mọc lên rất nhiều ở nước ta thời gian qua, song tại các vùng nông sản trọng điểm chiến lược, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy hiện đại đều chưa tới, vận chuyển hàng hóa khó khăn, điện bị cắt thường xuyên… Đối với ngành trồng trọt, chăn nuôi, việc tìm quỹ đất lớn là rất khó. Điều kiện như vậy, hỏi doanh nghiệp làm sao dám đầu tư?”, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp đặt câu hỏi.
Xác nhận tình trạng này, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho hay, là doanh nghiệp xuất khẩu nhiều loại rau quả, trái cây, công ty ông gặp rất nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng, thường xuyên đối phó với tình trạng hàng hóa bị hỏng do vận chuyển lâu ngày, kẹt xe…
Ngoài câu chuyện hạ tầng yếu kém, chính sách đất đai chưa được sửa đổi phù hợp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, cơ cấu ngành hàng chưa hợp lý, phụ thuộc một số thị trường lớn… cũng là lý do khiến doanh nghiệp lo lắng khi đầu tư vào nông nghiệp.
Điều đáng mừng là, mặc dù được đầu tư ít ỏi, nhưng nông nghiệp vẫn có được sự phát triển vững vàng suốt 10 năm qua, đặc biệt xuất khẩu đang là một điểm sáng. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã thu về hơn 261 tỷ USD. Riêng trong năm 2018 này, dự kiến ngành nông nghiệp mang về 40 tỷ USD xuất khẩu. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới với 10 mặt hàng lọt vào câu lạc bộ tỷ đô.
Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, mấy năm gần đây, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp như kỳ vọng vẫn chưa xảy ra.
Trọng tâm thu hút nhắm vào doanh nghiệp nội
Cùng với “phong độ” xuất khẩu, ngành nông nghiệp nước ta đang đứng trước cơ hội mới khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu vào tất cả các lĩnh vực sản xuất. Ngày càng nhiều ứng dụng, công nghệ thông minh được đưa vào nông nghiệp. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
“Thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là phải tổ chức sản xuất nhỏ thành liên kết sản xuất lớn. Các tiến bộ của cách mạng 4.0 chính là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này chỉ làm được nếu có các doanh nghiệp làm rường cột. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ với nông dân là rất cần thiết. Rất mừng là thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư vào nông nghiệp, song chúng ta cần thu hút tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Đặc biệt, trong khi nhiều ngành kinh tế đang tập trung ưu đãi đầu tư để gọi vốn từ khu vực FDI thì ngành nông nghiệp đang nhắm vào thu hút các doanh nghiệp trong nước. Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp là lĩnh vực “nhạy cảm” vì gắn liền với nông dân, nông thôn, với đất đai. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi thế hơn khi thấu hiểu tính cách người dân, thấu hiểu đặc thù vùng miền, từ đó có sự phối hợp tốt với người dân để cùng phát triển nông nghiệp.
Hiện nay, Chính phủ đang rất quyết tâm, nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Tháng 4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều sự thay đổi về cơ chế. Bên cạnh đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng với nông nghiệp cũng đang được nghiên cứu sửa đổi.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Nhà nước vẫn cần có chính sách mạnh hơn nữa để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều tỉnh cũng cho rằng, hiện nay người nông dân đã trưởng thành hơn, biết chủ động kết nối với hợp tác xã, doanh nghiệp, biết làm ăn lớn. Chính vì vậy, các chính sách ngoài thu hút các doanh nghiệp lớn cũng cần khuyến khích các trang trại, hợp tác xã phát triển.