Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn ngày càng được nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình. Bởi, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, mà lại cho lợi nhuận cao, nhất là giá thị trường […]
Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn ngày càng được nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình. Bởi, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, mà lại cho lợi nhuận cao, nhất là giá thị trường ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước) là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình nuôi lươn truyền thống sang nuôi lươn không bùn, theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vĩnh Bình. Hơn 10 năm theo nghề nuôi lươn thương phẩm và lươn giống, ông Đường đã chọn phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, sau khi được hỗ trợ kỹ thuật từ ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đường đang chăm sóc lươn của mình.
Dù chỉ mới áp dụng hơn 3 năm nay, nhưng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng lót bạt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Đường bộc bạch: “Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể ny-lon theo dạng không bùn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, do không đòi hỏi diện tích lớn. Người nuôi có thể tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi, vốn đầu tư cho mô hình cũng không cao lắm”.
Với diện tích hơn 40m2, ông Đường đầu tư khoảng 60 triệu đồng làm mái che, đường ống nước, xây 8 bồn bê-tông (ngang 2,3m, dài 3,3m, cao 0,8m), lót bạt ny-lon. Ngoài ra, ông cho vào bồn nhiều bao đất, cát nhỏ và phủ 1 lớp dây ny-lon kết chùm trên mặt các bao đất để nuôi lươn. |
Với diện tích bồn như trên, ông Đường thả nuôi 100 con lươn giống/m2 (loại lươn giống 300 con/kg). Sau khoảng 8 – 10 tháng nuôi, lươn sẽ được thu hoạch.
Hiện nay, giá bán lươn thịt đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, được thương lái thu mua tận nhà, với giá lươn loại I từ 200.000 – 230.000 đồng/kg, lươn loại II từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Nếu bán với giá từ 200.000 – 230.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 30 triệu đồng/bồn.
Theo kinh nghiệm nuôi lươn không bùn của ông Đường, nuôi lươn theo mô hình không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả cao, đạt chất lượng tốt, cân nặng đồng đều, người nuôi cần phải chọn nguồn giống sạch bệnh và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi.
Trong quá trình nuôi lươn không bùn phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Đặc biệt, nguồn thức ăn phải đảm bảo vừa đủ, không được thiếu và cũng không được dư.
“Khi nuôi, tôi thường tạo vỉ làm bằng ống nhựa cách nhau chừng 2 – 3cm đặt ở giữa bồn để thức ăn lên đó cho lươn ăn hàng ngày. Vì lươn rất mẫn cảm, nên phải thay nước mỗi ngày để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển”, ông Đường chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi lươn không bùn.
Ngoài việc nuôi lươn thịt thương phẩm, ông Đường còn ương thêm lươn giống để tạo nguồn giống cho việc nuôi thương phẩm và bán cho người nuôi các vùng lân cận.
Hiện tại, ông Đường là một trong những hộ cung ứng lươn giống uy tín bậc nhất vùng, bởi chất lượng con giống vượt trội, tỷ lệ hao hụt ít. Hiện, ông Đường còn sở hữu 21 bồn (15m2) lươn giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 200.000 con lươn giống các loại.
Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Đường lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lươn không bùn. Ông Đường chia sẻ: “Để có được nguồn lươn giống chất lượng, người nuôi phải nắm rõ kỹ thuật chăm sóc lươn giống bố mẹ thật tốt, từ khâu thay nước, cho ăn, đến kích thích sinh sản…”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Bình Huỳnh Văn Bình cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn được nhiều nông dân trên địa bàn xã áp dụng, bởi hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.
“Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân phát triển mô hình này hiệu quả, bền vững hơn. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, ông Huỳnh Văn Bình. |