Với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu”, Diễn đàn là nơi để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà bà con vùng Duyên hải Nam Trung Bộ quan tâm. Ngày 20/7, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia […]
Với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu”, Diễn đàn là nơi để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà bà con vùng Duyên hải Nam Trung Bộ quan tâm.
Ngày 20/7, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ban chủ tọa và Hội đồng cố vấn tại Diễn đàn
Ban chủ tọa và Hội đồng cố vấn tại Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Diễn đàn là nơi để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất và những khó khăn mà bà con vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đang quan tâm. Diễn đàn sẽ thảo luận cởi mở, cùng chia sẻ những thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý báu của “4 nhà” xung quanh chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tại Diễn đàn, PGS. TS. Lê Văn Hưng, Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã giới thiệu chung về “Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo PGS. TS. Lê Văn Hưng, NNHC là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, cân bằng hệ sinh thái con người; dựa trên các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học, thích nghi với điều kiện địa phương; không sử dụng vật tư đầu vào có hại như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp, thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hóc môn; kết hợp canh tác truyền thống với đổi mới và khoa học công nghệ có lợi cho môi trường, thúc đẩy các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống của con người và các bên có liên quan.
Cũng theo PGS. TS. Lê Văn Hưng, chứng nhận sản phẩm hữu cơ có các hình thức: Chứng nhận theo PGS (Chứng nhận có sự tham gia), người sản xuất, nhóm, liên nhóm, HTX, người tiêu thụ, phân phối, Ban điều phối PGS… Đây là hình thức phù hợp với quy mô hộ nhỏ lẻ như sản xuất ở Việt Nam. Chứng nhận của bên thứ 3 là hình thức mà các đơn vị, doang nghiệp, công ty sản xuất tự quản lý chất lượng và sự tuân thủ theo tiêu chuẩn và được một đơn vị đánh giá và công nhận độc lập khi đơn vị đó đạt yêu cầu.
Các doanh nghiệp, trang trại sản xuất NNHC cần có các đề xuất cụ thể để tháo gỡ các chính sách cho phát triển sản xuất hữu cơ của đơn vị theo tiêu chuẩn của Quốc gia, IFOAM và ASEAN và tiêu chí HỮU CƠ 3.0.
Trang trại gà ta Mười Tín ở xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam được chứng nhận “Sản phẩm an toàn thực phẩm”
Trang trại gà ta Mười Tín ở xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam được chứng nhận “Sản phẩm an toàn thực phẩm”
Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà (TP. Hội An, Quảng Nam) là làng nghề truyền thống nông nghiệp duy nhất trong 4 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống của TP. Hội An, sản xuất theo hướng an toàn. Còn ở làng Thanh Đông, xã Cẩm Thanh thì có mô hình sản xuất rau hữu cơ, thường gọi là “Vườn rau hữu cơ Thanh Đông”. Đây là 2 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, gắn với du lịch và có hiệu quả kinh tế cao. Cả hai mô hình không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất, cung cấp sản phẩm nông nghiệp mà còn là điểm tham quan, trải nghiệm về lao động, giáo dục, là một trong những sản phẩm du lịch, văn hóa nông nghiệp của thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Hội An, khó khăn hiện nay trong vấn đề sản xuất và nhân rộng sản xuất nông nghiệp an toàn, NNHC tại Hội An là tư tưởng của người nông dân, khó có thể chấp nhận thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất dựa vào chủ yếu phân hóa học, thuốc hóa học sang dùng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Giai đoạn đầu thu nhập giảm sút đáng kể do năng suất, sản lượng giảm, mẫu mã sản phẩm không đẹp, khó canh tác…, người nông dân dễ nản chí. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách bù thu nhập cho nông dân trong thời gian này. Các chế độ, chính sách hỗ trợ của các bên liên quan, nhất là từ phía Nhà nước còn hạn chế (kiểm định mẫu đất, nước, quy hoạch khu sản xuất, đầu tư hệ thống tưới bơm, hàng rào cách ly, giảng viên tập huấn, dụng cụ sơ chế rau, thiết kế in ấn bao bì, mẫu mã, công tác quảng bá…). Đặc biệt là chưa có bộ tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn thống nhất trong chỉ đạo sản xuất NNHC. Người tiêu dùng, khách hàng chưa được tiếp cận nhiều với sản phẩm NNHC, chưa tham gia và trở thành bộ phận quan trọng trong hệ thống PGS nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất.
Quày thực phẩm sạch tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam
Quầy thực phẩm sạch tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam
Trung ương và tỉnh cần nhanh chóng ban hành các chính sách liên quan đến phát triển NNHC, trong đó, chú trọng ưu tiên hỗ trợ phát triển các dự án sản xuất NNHC theo chuỗi liên kết giá trị. Trước mắt, trong khi Việt Nam chưa có tổ chức đủ năng lực chứng nhận độc lập về sản phẩm hữu cơ, Nhà nước cần phát triển mô hình PGS Việt Nam kèm theo về chính sách hỗ trợ cho nông dân; hỗ trợ cho nông dân định kỳ kiểm định mẫu sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Tại Diễn đàn, nhiều câu hỏi của đại biểu và bà con xung quanh kỹ thuật sản xuất NNHC thích ứng với biến đổi khí hậu được Ban chủ tọa và Hội đồng cố vấn trả lời đúng trọng tâm.