Chỉ với hơn 1 sào đất nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, thời gian qua, từ thành công với mô hình trồng cây bơ ghép chín muộn, ông Phạm Văn Tĩnh (Tổ 26, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Mô hình trên không những giúp gia […]
Tin liên quan
Chỉ với hơn 1 sào đất nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, thời gian qua, từ thành công với mô hình trồng cây bơ ghép chín muộn, ông Phạm Văn Tĩnh (Tổ 26, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Mô hình trên không những giúp gia đình tăng thu nhập mà còn là điểm đến để học tập của nhiều người dân trong khu vực.
Giống bơ 034 thì có nhiều người trồng, nhưng cho quả hơn 1 kg/quả và dài gần nửa mét như bơ do ông Tĩnh trồng thì thuộc hàng hiếm!
Vợ chồng ông Phạm Văn Tĩnh vốn gắn với nghề buôn bơ vài chục năm nay; các con của ông bà được ăn học đến nơi đến chốn cũng từ những đồng tiền thu được từ nghề buôn bơ của cả hai ông bà. Cũng vì quá quen thuộc với cây bơ nên loại bơ nào ngon, loại bơ nào dở, ông bà chỉ cần nếm thử là đã biết được ngay. “Năm 2009, sau nhiều năm theo nghề buôn bơ, trong một lần đi mua bơ của một người dân ở Ka Đô, huyện Đơn Dương, tôi mới thấy giống bơ đó thật sự rất ngon. Vậy là vợ chồng tôi quyết định lấy giống của loại bơ đó về ghép với cây bơ của nhà mình” – ông Phạm Văn Tĩnh nói về “duyên” đến với nghề trồng và ươm giống bơ của hai vợ chồng ông bà.
Mặc dù đã đi và viết về loại cây trồng này cũng khá nhiều, nhưng khi được ông Tĩnh và vợ dẫn tham quan một vòng vườn ươm và vườn bơ xung quanh nhà ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, “mắt tròn, mắt dẹt”, khi được chứng kiến những cây bơ lúc lỉu quả, có trái bơ dài gần cả nửa mét, nặng cả ký, cây nào vợ chồng ông cũng phải dùng cây chống và dây để kéo lên, nếu không, trái sẽ bị sà xuống tận đất hoặc bị gãy cành. Sau khi chúng tôi đã “mãn nhãn”, ông Tĩnh mới chậm rãi giới thiệu từng loại bơ trong vườn, gồm giống bơ Booth, bơ 034 và giống bơ tứ quý ra trái mùa mà ông đã bỏ nhiều công sức ghép được và đã cho thu hoạch được 6, 7 năm nay. “Loại bơ mới ghép này tôi đặt tên là bơ ông Tĩnh và đã cho thu hoạch 6-7 năm nay, mỗi năm tầm 2 tạ/cây, với thu nhập trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/cây và hiện trong vườn có khoảng 20 cây giống này. Đây là loại bơ vừa vàng, dẻo và thơm, ngọt rất đặc biệt nên tháng 7 vừa rồi tôi quyết định gửi đăng ký thương hiệu lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài Bộ cũng vừa gửi máy dán tem thương hiệu vào cho tôi và họ hẹn khoảng cuối tháng này sẽ có giấy công nhận thương hiệu tạm thời gửi vào và một hoặc hai năm sau sẽ được công nhận chính thức” – ông Tĩnh thông tin.
Ông Tĩnh cũng cho biết thêm, bơ là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với cả đất nghèo dinh dưỡng, chống chịu được hạn hán. Trồng bơ chỉ vất vả 3 năm đầu, còn đến lúc được thu hoạch thì chỉ việc bón phân, tỉa cành… Và các giống bơ đều được ông dùng phân vi sinh, sinh học để chăm bón. Tuy nhiên, để nhân giống thành công được giống “Bơ ông Tĩnh”, ông cũng phải trải qua nhiều lần thất bại, lúc thì quả không đạt do các loại bệnh trên cây bơ như rệp sáp, nhện đỏ, bọ xít muỗi… hoặc có khi nhiều nước quá, cây bơ cũng không chịu. Ngoài ra, ông rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng bơ đi trước, hễ nghe đâu có cây bơ ngon là ông lại tìm đến để học thêm kinh nghiệm chăm sóc, bón, tỉa…
Vừa giới thiệu cho chúng tôi đặc tính, cách chăm sóc từng loại bơ trong vườn, ông Tĩnh vừa cho biết thêm, trong tổng diện tích hơn 1 sào đất trong vườn, ông dành 400 m² làm nhà kính ươm giống “Bơ ông Tĩnh” để bán và cũng để trồng thử nghiệm 3 giống bơ trên. Và điều đặc biệt là các loại bơ ông trồng trong nhà kính ngoài đặc tính kháng bệnh tốt, thì mỗi năm cây đều cho ra 2 vụ/năm. Ông cũng hào hứng “khoe thêm”, hiện cây giống “Bơ ông Tĩnh” được ông ươm khoảng 10.000 cây giống, trong số này, có người đã đặt 4.000 cây, với giá trung bình 60 ngàn đồng/cây. Ngoài cây “Bơ ông Tĩnh” và bơ 034 cho trái trung bình 8 lạng – 1 kg hoặc hơn 1 kg/quả, đang cho thu hoạch thì cây bơ Booth vào vào cuối tháng 10 âm lịch mới cho thu hoạch trái mùa. Và tất cả các loại bơ nhà ông đều cung không đủ cầu, mặc dù giá luôn cao gấp đôi so với thị trường.
Trong khoảng thời gian chúng tôi đến thăm vườn nhà ông, người tìm đến mua bơ và cây giống cũng khá nhiều. Anh Vòng Thành Hổ (xã Mê Linh, Lâm Hà) là một trong số người khách đó, anh cho biết: “Tôi có bà con đã mua giống của vợ chồng ông Tĩnh vài năm nay, riêng tôi trước khi quyết định đến đây mua giống về trồng thì cũng đã ghé mua bơ về ăn thử. Nói thật, ngoài thị trường giá bơ chỉ khoảng 40-50 ngàn đồng/kg, nhưng bơ ông Tĩnh bán 100 ngàn đồng/kg, quả là hơi đắt, nhưng ăn rồi mới biết là cũng đáng đồng tiền nên hôm nay tôi quyết định đến đây mua giống về trồng và cũng học hỏi thêm ông về cách chăm sóc cây bơ”.
Thy Vũ (Báo Lâm Đồng)