Việt Nam có sản lượng mật ong xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á nhưng giá mật ong chỉ đạt 1,22 Euro/kg – mức giá thấp nhất về sản phẩm mật ong xuất khẩu. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng […]
Việt Nam có sản lượng mật ong xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á nhưng giá mật ong chỉ đạt 1,22 Euro/kg – mức giá thấp nhất về sản phẩm mật ong xuất khẩu. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu mật ong Việt Nam”, do Viện Chăn nuôi, Hội Nuôi ong Việt Nam và Công ty Syngenta tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.
Giá lao dốc
Ở Việt Nam nghề nuôi ong đã và đang góp phần đáng kể vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Hằng năm, Việt Nam sản xuất được hơn 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong; trong đó có khoảng 85 – 90% sản lượng mật và sáp ong được xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Theo đánh giá, đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng mật. Tuy nhiên, với gần 50.000 tấn mật ong được xuất khẩu năm 2014 đã đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ong Việt Nam đạt 150 triệu USD thu được từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ những con số trên, có thể thấy mật ong là một trong những vật nuôi có sản phẩm xuất khẩu đạt triển vọng khá, nhưng theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, trong 3 năm gần đây do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, xuất khẩu mật ong của Việt Nam đã giảm đáng kể cả về sản lượng và kim ngạch, gây khó khăn không nhỏ tới đời sống người nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2017, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 39.000 tấn, thu về gần 70 triệu USD.
Cùng bàn về vấn đề này, TS. Đinh Quyết Tâm, Hội Nuôi ong Việt Nam dẫn số liệu về việc giá mật ong xuất khẩu của Việt Nam đang giảm với tốc độ nhanh hơn so với thế giới. Cụ thể, năm 2012, giá xuất khẩu của Việt Nam ở mức 3,53 Euro/kg, chỉ đứng sau Turkey và New Zealand nhưng chỉ 3 năm sau đó, giá đã sụt xuống còn 2,34 Euro/kg. Trong số liệu mới nhất năm 2017, giá trị nhập khẩu của mật ong trên thế giới đạt 2.300 triệu USD, mặc dù sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam đứng ở vị trí cao, tuy nhiên giá mật ong của Việt Nam chỉ đạt 1,22 Euro/kg, đây là mức giá thấp nhất về sản phẩm mật ong xuất khẩu. Trong khi sản phẩm mật ong có mức giá cao nhất thuộc về New Zealand với 23,25 Euro/kg.
Còn nhiều lỗ hổng
Trong các đối tượng vật nuôi, ong là đối tượng có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm về mật ong nhiều nhất. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mật ong hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và lỗ hổng.
Bà Trần Ngọc Lan (Cục Chăn nuôi) cho rằng, do đặc thù của ngành ong phải di chuyển thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chăn nuôi ong. Mật độ nuôi ong tại một số địa phương phân bổ chưa hợp lý. Có những mật độ đặt điểm ong quá dày do vùng đó có liên quan đến chỉ dẫn địa lý hoặc những nơi có thương hiệu. Nói về hạn chế của ngành ong Việt Nam hiện nay, theo bà Lan, xuất phát chính là khâu giống gốc rất yếu. Các đàn ong giống gốc năng suất chưa được cải thiện, chưa có ong giống tốt cung cấp cho sản xuất, chưa nhập các giống ong tốt có năng suất cao làm tươi máu, chưa có đề tài trọng điểm nghiên cứu để cải tạo chất lượng đàn ong, thậm chí một số nơi còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao qua đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng con giống, chất lượng mật.
Gỡ khó
Đẩy nhanh xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm mật ong nội địa đang là một bài toán cần được sự chung tay giải quyết không chỉ từ phía người nuôi mà còn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp.
Theo bà Trần Ngọc Lan, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần phải mở rộng sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu. Đồng thời, nâng năng suất mật ong đủ tiêu chuẩn tăng từ 1 – 1,5%/năm (đạt 42 – 43 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong ngoại và đạt 21 – 23 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong nội).
TS. Đinh Quyết Tâm lại cho rằng, khi diện tích cây keo lai phát triển lớn nhất so với các loại cây khác, đạt tới 4.000 ha thì mật ong từ hoa cây keo lai bị giảm chất lượng, mật hay bị đổi màu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá mật ong năm 2017 của Việt Nam giảm rất mạnh. Ngoài ra, nguyên nhân giảm giá còn đến từ sự giảm giá chung của thị trường thế giới; sản phẩm mật ong Việt Nam cũng chưa có thương hiệu trên thị trường, trong khi cạnh tranh ngày càng nhiều.
Từ những bất cập trên, ông Tâm đề nghị, ngành nuôi ong cần có số liệu thống kê chính thức về đàn ong, số người nuôi ong, sản lượng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu và phát triển nuôi ong trong thùng kế, sản xuất mật ong hữu cơ. Cùng đó, quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mật ong Việt Nam; đào tạo kỹ thuật cho người nuôi ong, xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt Nam.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Trường Vương, Công ty Syngenta Việt Nam nhìn nhận, ngành nuôi ong Việt Nam cần phải gắn chặt với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững, tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế vừa tăng chất lượng mật ong, vừa tăng năng suất cây trồng.
TS. Arne Duebecke, Trung tâm Dịch vụ Chất lượng quốc tế Đức
Chú ý tiêu chí mật ong xuất khẩuCần lưu ý mật ong xuất khẩu vào EU không được thêm bất cứ nguyên liệu thực phẩm nào vào sản phẩm, kể cả các phụ gia thực phẩm cũng như các chất bổ sung khác không phải mật ong. Không có các tạp chất, hương vị lạ, nhiễm bẩn trong quá trình chế biến và bảo quản. Không được phép bắt đầu lên men và sủi bọt. Đặc biệt, cũng không được loại bỏ phấn hoa và các chất cấu thành mật ong trừ khi không thể tránh khỏi trong quá trình loại bỏ các tạo chất vô cơ và hữu cơ.
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Cần thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượngNói về các giải pháp để nâng cao chất lượng, một trong những vấn đề cần quan tâm trước hết là thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý mật ong tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Theo đó, cần rà soát lại các quy định, thủ tục hiện hành về mật ong. Bên cạnh, cũng cần phải có các biện pháp để quản lý được chất lượng mật ong sản xuất trong nước và mật ong xuất khẩu. Cuối cùng, phải cần đến sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong, người nuôi ong, nông dân và các bên liên quan để tìm ra các giải pháp nhằm bảo đảm ngành ong nước ta phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững nhằm hài hòa lợi ích của người nuôi ong và nông dân canh tác các loại cây trồng nông, lâm nghiệp… |