Tương lai nào cho thị trường gạo, ngô và lúa mì năm 2019?

Dự báo vọng nhu cầu gạo, ngô và lúa mì thế giới sẽ tăng vượt sản lượng, hỗ trợ giá đi lên. Tuy nhiên, trong trường hợp của ngô và lúa mì, tồn trữ tích tụ nhiều từ mấy năm gần đây sẽ cản trở giá tăng mạnh. Giá gạo có cơ hội tăng do […]

Dự báo vọng nhu cầu gạo, ngô và lúa mì thế giới sẽ tăng vượt sản lượng, hỗ trợ giá đi lên. Tuy nhiên, trong trường hợp của ngô và lúa mì, tồn trữ tích tụ nhiều từ mấy năm gần đây sẽ cản trở giá tăng mạnh.

Giá gạo có cơ hội tăng do cầu dự báo vượt cung
EIU (cơ quan phân tích thuộc The Economist) mới đây đã hạ dự báo về tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2018/19 do Ấn Độ giảm sử dụng, trong bối cảnh sản lượng gạo thế giới cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên, khối lượng 498 triệu tấn dự báo sẽ tiêu thụ trong niên vụ này vẫn cao hơn khoảng 1% so với niên vụ trước, và lập kỷ lục mới. Động lực của sự tăng trưởng này chủ yếu bởi dân số tăng, nhất là Châu Á và một số nước Châu Phi.
Về tiêu thụ gạo thế giới niên vụ 2019/20, EIU cho biết rất khó dự đoán trước thời điểm ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, dựa trên một số cơ sở ban đầu cho thấy nhu cầu sẽ tiếp tục đi lên, đạt 505 triệu tấn trong vụ 2019/20, vẫn chủ yếu bởi nhu cầu tăng ở Châu Á. Ngoài ra, sử dụng gạo làm thành phần thức ăn chăn nuôi – hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng tiêu thụ gạo toàn cầu – có thể cũng sẽ tăng trong năm 2019/20, chủ yếu đến từ Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Chính phủ nước này đang thực hiện các cải cách liên quan đến nguồn cung nhằm giảm lượng tồn kho đang rất lớn.
Về cung gạo thế giới, EIU hạ dự báo về nguồn cung của các nước sản xuất và xuất khẩu thuộc Châu Á, nhất là Ấn Độ, kéo theo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2018/19 sẽ thấp hơn 3 triệu tấn so với dự báo lần trước, chỉ đạt 490 triệu tấn. Triển vọng sản lượng năm 2020 hiện vẫn rất khó đoán bởi còn khá xa, nhưng dựa trên một số cơ sở có thể dự đoán sơ bộ là sẽ đạt kỷ lục 497 triệu tấn, nhờ một số khu vực thuộc Châu Á được mùa, trong đó có Ấn Độ, bù lại cho khả năng sụt giảm ở Trung Quốc.
Tiêu thụ lúa mì sẽ cao hơn sản lượng trong vụ 2018/19
Tiêu thụ lúa mì thế giới đã tăng gần gấp 3 kể từ thập niên 1960, đạt trên 730 triệu tấn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức tăng nhu cầu – chủ yếu trong lĩnh vực lương thực – đã không bắt kịp mức tăng sản lượng. Do đó, dự trữ đã tăng mạnh trong giai đoạn 2013/14 đến 2017/18. Mặc dù nhu cầu lúa mì toàn cầu tăng chủ yếu bởi dân số tăng, mức tăng nhu cầu nhìn chung đã vượt tốc độ tăng trưởng dân số. Việc sử dụng các sản phẩm từ bột mì ngày càng phổ biến và nhìn chung vẫn đang duy trì được tốc độ. Ngoài làm lương thực, lúa mì còn được sử dụng trong chăn nuôi, và một tỷ lệ nhỏ được sử dụng trong sản xuất tinh bột và bia.
EIU (cơ quan phân tích thuộc The Economist) dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu sẽ tăng 1,2% trong năm marketing 2018/19 lên 747 triệu tấn, chủ yếu bởi sự gia tăng trong lĩnh vực lương thực, bù đắp cho việc giảm sử dụng trong chăn nuôi. Dự đoán về năm 2019/20 mới chỉ là nhận định sơ bộ, dựa trên kịch bản sản lượng tăng và sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ hồi phục thì tiêu thụ sẽ tăng 1,1% lên 755 triệu tấn.
Về nguồn cung, sau khi liên tục tăng lên mức cao kỷ lục suốt 5 năm qua, sản lượng lúa mì thế giới dự báo giảm 4% trong vụ 2018/19, chủ yếu do sự sụt giảm ở EU, Nga, Ucraina và Trung Quốc. Trái lại, sản lượng sẽ tăng ở Mỹ, Canada, Argentina và nhất là Ấn Độ. Mặc dù vậy, dự báo mới nhất này của EIU vẫn cao hơn khoảng 3 tấn so với dự báo trước, đạt 733 triệu tấn (do sự điều chỉnh về con số của Ấn Độ). Vụ thu hoạch lúa mì 2018/19 của Ấn Độ đã kết thúc từ mấy tháng trước; vụ thu hoạch ở bán cầu Nam cũng vừa kết thúc. Ở bán cầu Nam, điều kiện sinh trưởng của cây lúa mì vụ Đông 2019/2020 (gieo trồng vào cuối năm 2018) nhìn chung thuận lợi. Dự báo sơ bộ sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2019/20 sẽ tăng 2,6% lên 752 triệu tấn.
Nhu cầu ngô tăng mạnh
Nhu cầu ngô toàn cầu đã tăng rất mạnh trong 2 thập kỷ qua, từ mức chỉ 600 triệu tấn vào đầu thế kỷ 21 lên ước tính khoảng 1,1 tỷ tấn vào năm 2018/19 (tăng 2,7% so với niên vụ trước). Dự báo sơ bộ về niên vụ 2019/20 sẽ tăng tiếp khoảng 1%.
Ngô chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (chiếm 55% tổng lượng tiêu thụ). Trong bối cảnh sản xuất thịt trên thế giới liên tục tăng, nhất là thịt gia cầm và thịt lợn, nhu cầu tinh bột trong thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng ở hầu khắp các nơi trên toàn cầu, với tốc độ tăng trung bình 3%/năm từ 2015/16.
Mặc dù nhu cầu ngô trong sản xuất nhiên liệu sinh học cũng tăng đều hàng năm, nhưng đang ở tốc độ thấp hơn so với giai đoạn bùng nổ ở giữa những năm 2000 do chính sách của các chính phủ. Ngô dùng trong sản xuất đường và tinh bột có xu hướng tăng dần, một phần do các điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện nên việc sử dụng trong các ngành chế biến (công nghiệp) tăng trung bình 3,6% mỗi năm suốt 5 năm qua, đạt kỷ lục 305 triệu tấn vào 2018/19. Tại Châu Phi cận Sahara, nhu cầu ngô làm lương thực cũng tăng nhanh trong mấy năm gần đây (dự báo đạt 123 triệu tấn trong vụ 2018/19) bởi được mùa lớn.
Về nguồn cung, sản lượng ngô toàn cầu đã tăng trung bình trên 3% mỗi năm trong 2 thập kỷ qua, từ mức dưới 600 triệu tấn vụ 1999/20 lên trên 1 tỷ tấn vụ 2013/14. Cung ngô toàn cầu niên vụ 2018/19 dự báo sẽ vẫn ở mức cao, trong bối cảnh được mùa ở hầu hết các nước xuất khẩu chủ chốt. Bán cầu Bắc đã thu hoạch xong vụ năm nay, và sự chú ý của giới đầu tư đang hướng tới bán cầu Nam, nơi thời tiết mấy tuần gần đây bất lợi bởi khô hạn.
Dự báo của EIU về sản lượng ngô thế giới vụ hiện tại đã được điều chỉnh giảm 3 triệu tấn so với dự báo lần trước, xuống 1,102 tỷ tấn (tăng 2,1% so với năm trước) do giảm ở Brazil và Nam Phi. Về niên vụ 2019/20, bởi bán cầu Bắc còn lâu mới thu hoạch nên dự đoán của EIU mới chỉ mang tính chất sơ bộ, còn chờ các tín hiệu rõ hơn vào việc Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại hay không. Nếu sản lượng tăng ở Mỹ, Nam Mỹ cũng như Trung Quốc, sản lượng ngô toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1,107 tỷ tấn (tăng 0,5% so với vụ trước).
Vân Chi (Trí Thức Trẻ)