Nuôi vịt đẻ trứng chạy đồng thường giúp nông dân tiết giảm chi phí để tăng thêm thu nhập. Nhưng nếu không quản lý thú y nghiêm ngặt, vịt chạy đồng tràn lan dễ làm bùng phát dịch cúm gia cầm. Theo tính toán của người chăn nuôi, nuôi vịt thả đồng thì sẽ tiết […]
Nuôi vịt đẻ trứng chạy đồng thường giúp nông dân tiết giảm chi phí để tăng thêm thu nhập. Nhưng nếu không quản lý thú y nghiêm ngặt, vịt chạy đồng tràn lan dễ làm bùng phát dịch cúm gia cầm.
Theo tính toán của người chăn nuôi, nuôi vịt thả đồng thì sẽ tiết giảm hơn phân nửa chi phí so nuôi trong trại. Vì thế, rất nhiều người dân chọn giải pháp là nuôi vịt thả đồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình mình. Nhất là sau khi các đồng lúa gặt xong, rơm rạ được thu gom sạch sẽ, thức ăn có sẵn trên ruộng là nguồn bổ sung đáng kể cho đàn vịt.
Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên ruộng giúp giảm chi phí chăn nuôi vịt. Ảnh: Nguyễn Vy.
Theo ông Trịnh Văn Hợp, chủ hộ chăn nuôi vịt ở huyện Long Khánh (Đồng Nai), nếu nuôi trong trại, vịt ăn hết khoảng 20 bao cám. Trong khi đó, nguồn thóc lúa rơi vãi và cua ốc trong ruộng sẽ giúp người nuôi tiết kiệm được phân nửa chi phí thức ăn. Năm nay, giá trứng rẻ nên nhiều người chọn cách thả đồng để tiết giảm chi phí.
Vịt giống được thả nuôi từ từ 5 – 6 tháng thì bắt đầu đẻ trứng, và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Loại trứng vịt được chăn thả tự nhiên, ăn đầy đủ chất, có giá trị dinh dưỡng cao, thường được bán với giá cao hơn trứng thường.
Vịt giống được nông dân lựa chọn nuôi cũng thường là giống vịt siêu trứng, có khả năng kháng bệnh tốt, thích nghi trong môi trường tự nhiên nên sức đề kháng cao khi thả đồng.
“Khi thả đồng, vịt được vận động, tắm nước tự nhiên, nhanh thay lông, sức đề kháng tốt và khỏe đẹp hơn so vịt nuôi trại kín”, ông Hợp nói.
Vịt thả đồng thích nghi môi trường tự nhiên nên có sức đề kháng cao hơn.
Đồng tình, ông Nguyễn Hữu Ngọc, ngụ xã Bảo Quang (huyện Long Khánh) cho biết cách nuôi đẻ trứng chạy đồng không những giảm chi phí chăn nuôi lại giúp hạn chế mầm bệnh cho đồng ruộng trong mùa vụ sắp tới.
Theo đó, người nuôi chỉ cần mua lại lúa nền của nông dân sau khi thu hoạch để thả vịt ăn lúa nền còn sót lại. Người nuôi không cần đổ thêm lúa hoặc thức ăn cho vịt; chủ ruộng lại tiết kiệm chi phí diệt ốc bươu vàng và hạn chế được mầm bệnh xảy ra cho vụ mùa sau.
Tuy nhiên ông Ngọc cũng thừa nhận cách thả chạy đồng là hình thức chăn nuôi trên phạm vi rộng, vịt thường di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Nếu dịch bệnh xâm nhập sẽ dễ lây lan. Do đó, người nuôi phải thường xuyên trông coi, để có biện pháp phòng dịch phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Ngọc – Chủ tịch HND xã Bảo Vinh cho biết để cắt giảm chi phí, nuôi vịt đẻ trứng kết hợp với chạy đồng là một giải pháp thường được nông dân lựa chọn. Mỗi năm thường có 2 lần tiêm chủng ngừa các bệnh trên các loại gia cầm.
Tuy nhiên nuôi vịt chạy đồng tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh. Ảnh: Duy Thanh
“Hội Nông dân và chính quyền địa phương vẫn thường xuyên vận động, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đúng qui trình, tiêm đủ liều, đủ thời gian và đúng kỹ thuật. Đến nay trên địa bàn xã chưa có dịch bệnh trên gia cầm”, ông Ngọc cho biết.
Theo ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai, quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh là phải chú trọng kiểm tra, giám sát và có giải pháp xử lý với những hộ, trại cố ý không thực hiện các biện pháp phòng, chống khiến dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là nâng cao ý thức tự giác của người chăn nuôi.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến khá phức tạp. Trong khi đàn lợn vẫn đang gồng mình chống dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, dịch heo tai xanh thì đàn gia cầm cũng bị đe dọa bởi dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số tỉnh thành.
Ý thức tự giác của người chăn nuôi có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N6. Mới đây, UBND huyện Cần Đước (tỉnh Long An) cũng công bố dịch cúm H5N1 trên gia cầm tại xã Long Sơn.
Tại Đồng Nai, cuối năm 2018, ổ dịch cúm trên vịt cũng ghi nhận xuất hiện ở 2 hộ chăn nuôi tại ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) với tổng đàn 12 ngàn con. Hiện các ổ dịch trên đã được khống chế.
Trong công tác tiêu độc, khử trùng từ đầu năm đến nay; hơn 9.300 ngàn lít thuốc sát trùng đã được cung cấp về các địa phương. “Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh có giải pháp nhanh chóng bổ sung thêm nguồn thuốc sát trùng, tiêu độc để tiếp tục tăng cường cho các địa phương trong thời gian tới”, ông Trần Văn Quang nói.
Theo danviet.vn