Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Nhu cầu tăng, nỗi lo tăng

Vấn đề kiểm soát tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn tồn tại nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như việc quy hoạch… Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm phân phối ra thị trường và sức khỏe của người […]

Vấn đề kiểm soát tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn tồn tại nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như việc quy hoạch… Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm phân phối ra thị trường và sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều bất cập

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, toàn tỉnh có 119 cơ sở và điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó 98 điểm giết mổ heo, 1 điểm trâu, bò; 1 gia cầm và 19 cơ sở giết mổ hỗn hợp. Tuy nhiên rất ít cơ sở có quy mô lớn mà phần nhiều là giết mổ thủ công, mổ trên bệ, nền, làm khá tùy tiện, không đúng quy định… Ngoài ra, phương tiện vận chuyển chưa đạt chuẩn, bẩn, chất thải động vật rơi vãi trên đường gây nguy cơ lan truyền dịch bệnh.


Kiểm soát lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo ATVSTP Ảnh: ST
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 40 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó 34 lò xếp loại B, 5 lò xếp loại C, chỉ 1 lò loại A. Theo quy hoạch, đến năm 2020, sau khi nâng chất lượng các tiêu chí đánh giá xếp loại, ngành chăn nuôi – thú y địa phương sẽ phải đóng cửa 13, nâng cấp 10 và xây mới 11 cơ sở để đảm bảo nhu cầu giết mổ tập tập trung và kiểm soát được ATVSTP. Thực trạng các lò mổ ở Vĩnh Long cho thấy, địa bàn toàn tỉnh nơi đâu cũng có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng vẫn chưa có cơ sở lớn, quy mô và dây chuyền hiện đại.

Hay tại Hà Nội, khu vực tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cũng rất lớn, nhưng vấn đề quy hoạch và kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc vẫn còn nhiều bất cập. Ðại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Trong đó số cơ sở giết mổ được kiểm soát 116 cơ sở (gồm 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 92 cơ sở nhỏ). Số còn lại hầu hết là những điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư, không có đăng ký kinh doanh, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Quyết liệt hơn

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Do đó, việc kiểm soát hoạt động này cần sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, địa phương.

Việc thu hút đầu tư cho các khu giết mổ gia súc tập trung là giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn. Như tại Thái Nguyên, tỉnh đã đầu tư 56,2 tỷ đồng giai đoạn 2018 – 2020 đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm. Mục tiêu đến năm 2020 hình thành 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung cùng 21 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn.

Ứng dụng công nghệ cao tại các khu giết mổ tập trung cũng là một giải pháp hữu hiệu và hết sức cần thiết. TS Nguyễn Văn Hưng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nghiên cứu và cho ra đời giải pháp “Xây dựng mô hình giết mổ gia súc tập trung theo công nghệ sạch, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái”. Giải pháp được đánh giá mang tính sáng tạo cao, không những mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội to lớn, mà còn góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm tại cơ sở giết mổ truyền thống; Ðảm bảo yêu cầu hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm thịt so với quá trình giết mổ truyền thống, giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dân.