Nông nghiệp sạch và thực phẩm an toàn

Hai khái niệm: “Nông nghiệp sạch” và “Thực phẩm sạch” hay “Thực phẩm an toàn” có phải là một không? Câu hỏi tưởng là đơn giản, nhưng cũng không ít người đến nay vẫn còn lầm lẫn. Rau củ quả an toàn trong siêu thị Chính vì vậy nhiều người có khi chỉ tập trung […]

Hai khái niệm: “Nông nghiệp sạch” và “Thực phẩm sạch” hay “Thực phẩm an toàn” có phải là một không? Câu hỏi tưởng là đơn giản, nhưng cũng không ít người đến nay vẫn còn lầm lẫn.


Rau củ quả an toàn trong siêu thị

Chính vì vậy nhiều người có khi chỉ tập trung vào thuật ngữ “Nông nghiệp sạch”, mà quên thuật ngữ “Thực phẩm an toàn”, hễ gặp phải lúc bị ngộ độc thức ăn trong một quán ăn hay ở một bữa tiệc nào đó phải đi cấp cứu, thì suy nghĩ đầu tiêu là do sản phẩm chưa sạch gây nên…

Hiểu như vậy là chưa chính xác. Có khi mang lại nỗi oan cho người sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Trong dây chuyền từ sản xuất đến bàn ăn có nhiều công đoạn:

1- Công đoạn sản xuất ra sản phẩm, giai đoạn này đối với trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản được tính từ khi gieo trồng, chăn thả, ươm nuôi cho đến khi thu hoạch sản phẩm tại cổng trại. Công đoạn này do người sản xuất chịu trách nhiệm.

2- Công đoạn tiếp theo tính từ lúc tiếp nhận sản phẩm của người sản xuất để thu mua, vận chuyển, chế biến, đóng gói, bảo quản rồi phân phối cho người tiêu dùng. Công đoạn này có nhiều thành phần tham gia.

3- Công đoạn chế biến, nấu nướng bảo quản tại các bếp ăn cũng do nhiều thành phần tham gia. Do vậy, nói sản phẩm nông nghiệp sạch hay không là nói chủ yếu ở giai đoạn sản xuất và phân phối tại cổng trại. Lúc này nếu kiểm tra sản phẩm không sạch, không an toàn là lỗi do người sản xuất gây ra.

Còn các công đọan sau, sản phẩm có còn sạch hay không có thể do người sản xuất kiêm luôn người phân phối, lưu thông, và các tầng lớp buôn bán nhỏ, lẻ, hay buôn bán sỉ chịu trách nhiệm.

Còn một công đoạn nữa, đó là các thành viên làm việc trong các bếp ăn. Như vậy trong điều kiện của Việt Nam cũng có lúc từ sản xuất cho đến bàn ăn đều có gặp sản phẩm nông nghiệp không sạch gây nên thực phẩm không sạch. Nhưng cũng không ít trường hợp công đoạn sản xuất là sản phẩm sạch nhưng các công đoạn sau lại gây nên mất an toàn.

Ở công đoạn này các loại thực phẩm không an toàn thường gặp nhiều hơn và tác hại mang lại cũng nặng hơn. Ví dụ, người trồng sầu riêng làm rất cẩn thận, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Nhưng nhà buôn thu mua lúc trái chưa chín, để có giá hời, rồi dùng hóa chất kích thích cho chín để bán, lại sử dụng loại hóa chất cấm, liều cao.

Kết quả là người tiêu dùng bị ngộ độc. Kiểu làm như vậy được biết với nhiều loại trái cây như mít, thanh long hay một số trái cây khác.

Thực tế đã có nhiều trường hợp người ta bơm tạp chất vào tôm, vào thịt gia cầm, thịt heo, bò để vừa tăng trọng lượng, vừa bảo quản lâu hơn để bán được lời nhiều hơn. Chưa kể quản lý thị trường đã từng bắt quả tang nhiều trường hợp xe tải chở hàng nhiều tấn nội tạng của heo, bò, gà đang ở tình trạng ươn, thối. Số sản phẩm đó nếu được vận chuyển trót lọt để bán ra thị trường thì người tiêu dùng lãnh đủ.

Ta cũng được biết nhiều nhà bếp, có cả bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể, những đám giỗ, những bữa tiệc thịnh soạn cũng gây ra ngộ độc thức ăn hàng loạt mà nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm bị thiu, thối gây nên.

Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao để chấm dứt được vấn nạn này? Nguyên nhân chính là lợi nhuận, người ta chỉ biết kiếm được nhiều tiền cho bản thân mà không để ý đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Đấy là mặt trái của nền kinh tế thị trường

Để khắc phục được vấn nạn nói trên điều trước tiên là nâng cao được ý thức trách nhiệm của người sản xuất và buôn bán các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, kèm theo cần có những quy chế cụ thể sử dụng cho thực phẩm các loại.

Đồng thời phải có chế tài phù hợp, có kiểm tra, kiểm soát và xử phạt phân minh, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ tẩy chay sản phẩm không sạch để dần dần đưa cả người sản xuất và lưu thông phân phối vào khuôn phép.

Theo GS MAI VĂN QUYỀN