Việt Nam nên có cuộc thi gạo ngon?

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 5 năm trước giá gạo Việt Nam rất thấp, nhưng hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, đạt 450.000 USD/tấn. Giải trình trước Quốc hội để làm rõ một số vấn đề tăng trưởng, cơ cấu trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển […]

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 5 năm trước giá gạo Việt Nam rất thấp, nhưng hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, đạt 450.000 USD/tấn.

Giải trình trước Quốc hội để làm rõ một số vấn đề tăng trưởng, cơ cấu trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến hết tháng 9 năm 2018, ngành nông nghiệp tăng trưởng 6,53%, mức cao trong nhiều năm gần đây.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: Quochoi.vn)

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tổng kết 5 năm cho thấy cơ cấu lại ngành đang đi đúng hướng, sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng; nông sản đã xuất khẩu đi 180 quốc gia.

Tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 200 tỷ USD trong 5 năm, trong đó có nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, ông Cường cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: 5 năm trước giá gạo Việt Nam ở rất thấp, thì hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ…. Năm 2018, xuất khẩu gạo cao nhất cả về lượng và giá trị. Hết tháng 6/2018, giá gạo Việt Nam là 450.000 USD một tấn, trong khi Thái Lan là 430.000 USD và Ấn Độ là 410.000 USD.

Để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp bền vững, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, cần đề phòng tình trạng xảy ra bão lũ ở khu vực phía Nam từ nay đến cuối năm. “Hai năm qua đã gặp phải tình cảnh lũ chồng lũ, nên không thể chủ quan”, ông Cường lưu ý.

Nguy cơ nữa được Bộ trưởng NN&PTNT nêu ra là dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng chú ý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi rất gần với biên giới Việt Nam, cũng đã xuất hiện dịch bệnh.

Bộ trưởng Cường cũng cảnh báo về hiện tượng El Nino sẽ gây hạn hán và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ.

Đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) cho rằng, cần quan tâm hiệu quả liên kết giữa nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà quản lý trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế người dân vẫn phải trả lời “nuôi còn gì, trồng cây gì?” và phần lớn họ trồng, chăn nuôi nhờ kinh nghiệm, theo xung quanh.

 

Việt Nam có nhiều loại gạo ngon.

Vì thế nuôi, trồng sản phẩm theo phong trào, không có đầu ra. Câu hỏi này, thực tế theo ông Tuấn, phải thuộc trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý.

Cho rằng cần xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt, nhưng đại biểu đoàn Nam Định băn khoăn “loại giống nào ở đâu nuôi trồng tốt lại chưa rõ, bởi thương hiệu chưa rõ, tốt xấu lẫn lộn khiến sản phẩm mất giá”. Do đó, ông Tuấn đề nghị cần có các cuộc thi công khai tôn vinh chất lượng sản phẩm nông nghiệp, định hướng sản xuất cho nông dân.

“Chúng ta ăn cơm hàng ngày nhưng để trả lời loại nào ngon nhất thì khó có câu trả lời chính xác. Địa phương cũng tự hào mình có gạo ngon, gạo đặc sản. Thực tế có cuộc thi hoa hậu bò sữa nhưng lại chưa có cuộc thi lúa gạo ngon Việt Nam”, ông Tuấn nêu ý kiến./.