Ông Vi Thanh Tình (bản Piêng Mựn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chăn thả cả trăm con gà ta ngay trong nương rẫy. Chính cách chăn thả gà ta bán tự nhiên như thế này đã giúp gia đình ông Tình có của ăn của để, mỗi năm kiếm cả […]
Ông Vi Thanh Tình (bản Piêng Mựn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chăn thả cả trăm con gà ta ngay trong nương rẫy. Chính cách chăn thả gà ta bán tự nhiên như thế này đã giúp gia đình ông Tình có của ăn của để, mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Tình tâm sự: “Do cuộc sống khó khăn, ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi gà để tự cung, tự cấp. Nhưng qua thời gian thấy gà nuôi thả kiểu này quá tốt nên cuối năm 2017, tôi bàn với vợ mở rộng quy mô chăn nuôi. Thông qua tổ vay vốn và tiết kiệm của Hội Nông dân, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương để mua thêm gà giống và thức ăn cho đàn gà. Có vốn, tôi nâng quy mô đàn gà nuôi 500 con gà. Bình quân mỗi lứa gà xuất bán, nhà tôi thu được trên 20 triệu đồng…”.
Ông Vi Thanh Tình trú tại bản Piêng Mựn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) đang chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: CT
Bằng hình thức nuôi gà bán tự nhiên, từ hộ nghèo trong bản, nay gia đình ông Vi Thanh Tình đã trở thành hộ khá giả của bản Piêng Mựn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Ông Vi Thanh Tình chia sẻ thêm: “Ban đầu chúng tôi khai hoang làm ruộng, thấy ở đây nuôi gà phát triển tốt, nên tôi quyết định đầu tư thêm giống. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội nên giờ cứ trông nom và thu tiền qua mỗi lứa thôi”.
Cũng sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội có hiệu quả cao là hộ gia đình anh Kha Văn Thanh ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An). Anh Khá dựng nghiệp với loài lợn đen, lợn rừng lai chăn thả tự nhiên.
Lợn của anh Kha Văn Thanh được nuôi theo hình thức này rất được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng, mỗi năm xuất bán được hơn 120 triệu đồng.
Trao đổi với Dân Việt, anh Kha Văn Thanh cho hay: “Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn bởi mình chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn nhiều nhưng quý trọng từng đồng vốn vay nên tôi quyết tâm đã làm là phải thắng”
“Nhờ sự động viên, sát cánh của hội nông dân mà tôi áp dụng được khoa học kỹ thuật vào nuôi loài lợn này, kiểm soát tốt tật bệnh”, anh Thanh cho biết thêm.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà, giúp gia đình Vi Thanh Tình trú tại bản Piêng Mựn, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) xóa đói giảm nghèo. Ảnh: CT
Ông Hồ Xuân Hải – Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tương Dương cho biết: “Thông qua Hội nông dân, nhiều hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đa số các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao. Hiện trên địa bàn huyện có tổng cộng 500 mô hình sảxuất sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm”.
Còn ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) nói: “Ngân hàng Chính sách xã hội là công cụ, phương tiện hữu hiệu giúp giảm nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương. Từ nguồn vốn của ngân hàng, nhiều hộ nông dân đã xóa được nhà dột nát, thoát được nghèo khi có vốn sản xuất. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tương Dương vẫn còn trên 36%. Thời gian tới, để giảm nghèo, huyện tiếp tục cần sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là giúp đồng bào dân tộc Thái, Ơ Đu, Tày Pọng, Khơ Mú, Mông trên địa bàn huyện có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập…”.
Theo Cảnh Thắng (Dân Việt)