Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một hướng ra đầy tiềm năng cho khu vực ĐBSCL. “Hiện nay trình độ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bước đầu đã cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch. Ở các khâu còn lại, mức độ ứng dụng máy nông nghiệp còn thấp”. Nhóm […]
Tin liên quan
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một hướng ra đầy tiềm năng cho khu vực ĐBSCL.
“Hiện nay trình độ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bước đầu đã cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch. Ở các khâu còn lại, mức độ ứng dụng máy nông nghiệp còn thấp”. Nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Trần Anh Sơn (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định trong tham luận “Thực trạng ứng dụng cơ khí nông nghiệp thông minh tại ĐBSCL”.
Tổn thất lớn vì công nghệ kém
Trong ngành trồng lúa, theo nhóm của TS Trần Anh Sơn, máy móc, thiết bị ngoại nhập có giá thành cao. Đây là lý do chính khiến hầu hết người dân chấp nhận dùng máy cày, máy kéo cũ đã qua sử dụng – vốn tiêu hao nhiều nhiên liệu và độ bền, độ ổn định hoạt động không đảm bảo. Hậu quả là chi phí đội lên, trong khi chất lượng nông sản không đảm bảo.
Khâu thu hoạch lúa cũng gặp khó khăn do công nghệ thô sơ. “Tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13%-14% về số lượng và hơn 12% về giá trị. Một số nhà máy hiện đại hơn sử dụng sấy tầng sôi và sấy tháp, tuy nhiên chi phí đầu tư và bảo trì cao” – nghiên cứu của nhóm TS Trần Anh Sơn chỉ ra.
Trong khi đó, đối với ngành sản xuất trái cây, công nghệ chế biến lạc hậu cũng ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Các dây chuyền chế biến hoạt động chưa đồng bộ, có khâu đã được tự động hóa, song song vẫn tồn tại nhiều khâu thao tác bằng thủ công, khả năng truy xuất nguồn gốc kém. Ví dụ, ở các công ty chế biến trái cây vẫn còn nhiều khâu thao tác thủ công đòi hỏi tập trung 40-60 lao động, chủ yếu ở khâu khuân vác, ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại và đóng bao bì sản phẩm.
Tương tự, trong ngành nuôi trồng thủy sản, trong khi diện tích nuôi trồng rất lớn nhưng trình độ và trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế. Điển hình là các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, khâu nuôi, khâu thu hoạch và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, hầu hết nông dân dùng máy cày, máy kéo… cũ đã qua sử dụng trong nông nghiệp. Ảnh: HTD
Tiếp cận nông nghiệp thông minh
Trước các hạn chế về công nghệ nông nghiệp, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ: Một số quốc gia trên thế giới đã ứng dụng nông nghiệp thông minh trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, kiểm soát thiên tai, quản lý chất lượng và sản xuất.
Theo ông Thiện, chương trình nông nghiệp thông minh toàn diện bao gồm năm nội dung chính. Một là bản đồ công nghệ: Mô phỏng, GIS, GPS, cảm biến độ dẫn điện mặt đất, hình ảnh siêu phổ, UAV, xử lý hình ảnh, cơ học (giám sát năng suất, bản đồ năng suất, đất, cây trồng, cỏ dại và xác định bệnh, định lượng và mối quan hệ của chúng).
Bên cạnh đó là công nghệ cảm biến: Ứng dụng GPS, GIS, LED, radar, cảm biến camera, phát triển phần mềm, phát triển độ chính xác (công nghệ điều khiển và cảm biến thời gian thực cho các ứng dụng VRT, bộ điều khiển máy tính và bộ truyền động).
Tiếp theo là công nghệ bón phân: GPS, GIS, cảm biến NIR, bộ điều khiển (bộ điều khiển tưới thông minh, độ ẩm đất và cảm biến chất lượng, cũng như sinh lý của cây trồng).
Quan trọng không kém là hệ thống thu hoạch chính xác: Cảm biến, bộ điều khiển, máy tính, GPS (hệ thống ra quyết định dữ liệu, hệ thống điều khiển).
Cuối cùng, không thể bỏ qua hệ thống thông tin quản lý: Điện thoại di động, máy tính, logger dữ liệu (hệ thống hỗ trợ quyết định, cơ sở dữ liệu, mô hình, truyền thông không dây và mạng cảm biến).
Nhìn từ các nước tiên tiến
Theo bà Dương Huyền Trang, ĐH An Giang, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. “Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi hecta trồng cà chua cho ra 250-300 tấn/năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20-30 tấn/ha/năm” – bà Trang mô tả.
Cũng theo vị chuyên gia này, nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đó quy mô sản xuất được mở rộng. Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn, thương hiệu cũng dễ dàng đa dạng hơn.
Sáng nay, 27-9, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho ĐBSCL” tại TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả trong ngành, cùng thảo luận về các định hướng và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL và những đóng góp của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp.
Đại Thắng (PLO)