Bên cạnh lợi ích bảo vệ mùa màng mà không cần dùng thuốc trừ sâu, mô hình này còn giúp cánh đồng trở nên sống động và đẹp mắt hơn. Một cánh đồng cải dầu ở ngoại ô thị trấn Buckingham (Anh) trước đây chỉ có màu xanh của cây cải. Sau khi trồng thêm […]
Bên cạnh lợi ích bảo vệ mùa màng mà không cần dùng thuốc trừ sâu, mô hình này còn giúp cánh đồng trở nên sống động và đẹp mắt hơn.
Một cánh đồng cải dầu ở ngoại ô thị trấn Buckingham (Anh) trước đây chỉ có màu xanh của cây cải. Sau khi trồng thêm hoa dại vào mùa thu năm ngoái, cánh đồng xuất hiện dải hoa đầy sắc màu xen lẫn giữa luống rau.
Đây là một trong 15 cánh đồng thuộc chương trình nghiên cứu của Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh (CEH). Chương trình thử nghiệm trồng hoa giữa đồng trong 5 năm để đo lường hiệu quả thu hút các loại ong và bọ cánh cứng, diệt sâu thay thế chế phẩm hóa học.
Phương pháp trồng hoa dại trên đồng đã xuất hiện từ hàng chục năm nay, nhưng chủ yếu trồng bao quanh cánh đồng. Các loài côn trùng chỉ diệt sâu bọ ở vòng ngoài.
“Với kích thước của một con bọ, nó không thể đi hết chặng đường tiến vào bên trong cánh đồng”, giáo sư Richard Pywell thuộc CEH cho biết.
Một trong 15 cánh đồng ở miền trung và miền đông nước Anh thử nghiệm trồng hoa để dụ côn trùng diệt sâu. Diện tích hoa chỉ chiếm 2% cánh đồng. |
Theo nghiên cứu của CEH, ở các cánh đồng không có hoa, côn trùng vẫn diệt sâu bệnh nhưng chỉ trong giai đoạn còn nhỏ. Chúng cần mật hoa và phấn hoa để tiếp tục trưởng thành. Lúc này, một loại hoa màu trên đồng không đủ cung cấp dưỡng chất. Các loài hoa dại như cúc mắt bò, cà rốt dại, cỏ ba lá đỏ… dễ trồng, ra hoa nhanh, phù hợp làm nơi cư ngụ và kiếm ăn cho các loại côn trùng có lợi. Giải pháp thiên nhiên này mang theo hy vọng giảm tối thiểu lượng thuốc trừ sâu.
“Trồng hoa không đủ thay thế hoàn toàn chế phẩm sinh học, nhưng có thể gia tăng côn trùng, giảm tối thiểu sâu bệnh và mang lợi ích lâu dài”, vị giáo sư người Anh nói thêm.
CEH đang mở rộng thử nghiệm trồng hoa ra nhiều khu vực tại Anh, nghiên cứu giá trị của việc trồng hoa trên các loại cánh đồng khác nhau, từ đó biết rõ khi nào, ở đâu và với điều kiện nào thì đạt hiệu quả cao nhất.
Thụy Sĩ cũng đang thử nghiệm phương pháp tương tự, trồng ngò, thì là và nhiều loại cây cho hoa dễ trồng khác trên cánh đồng lúa mì. Bọ cánh cam ngụ trên dải hoa diệt các loại sâu ăn lá, giảm 61% thiệt hại. Các nhà khoa học tại quốc gia Tây Âu ước tính nếu chọn đúng tập hợp các loại hoa thì có thể bổ sung dinh dưỡng cho đất, tăng 10% sản lượng hoa màu, giúp cánh đồng có thể tự sống sót trước sâu bệnh, thậm chí bổ sung lợi ích kinh tế từ thu hoạch hoa.
Ngoài việc trồng hoa, chuyên gia khuyên nhà nông sử dụng thêm các phương pháp khác, bao gồm chọn giống hoa màu kháng sâu bệnh, áp dụng công nghệ dự báo sâu bện và hệ thống phun thuốc trừ sâu thông minh, tưới nhỏ giọt hoặc phun sương, để kiềm chế liều lượng đến mức tối thiểu. Thuốc trừ sâu là giải pháp cuối cùng nhà nông cần đến chứ không phải đầu tiên.
Theo vnexpress