Thứ trưởng Bộ công an Bùi Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ công an và Trần Việt Tân, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật. Ngày 28/7/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng […]
Thứ trưởng Bộ công an Bùi Văn Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ công an và Trần Việt Tân, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật.
Ngày 28/7/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 130-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy ông Bùi Văn Thành, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật.
Cá nhân ông Thành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật; vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công; tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Những vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội.
Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Văn Thành bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 – 2015).
Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với ông Bùi Văn Thành, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
bo chinh tri cach chuc tuong bui van thanh tran viet tan hinh 1Ông Bùi Văn Thành và ông Trần Việt Tân bị Bộ Chính trị cách chức trong Đảng và sẽ bị giáng cấp bậc hàm. Ông Phương Minh Hoà (ngoài cùng bên phải) bị Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo.
Sau khi xem xét Tờ trình số 131-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị nhận thấy Thượng tướng Trần Việt Tân, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu trong xã hội.
Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Việt Tân bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với ông Trần Việt Tân bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Cùng ngày 28/7/2018, sau khi xem xét Tờ trình số 129-TTr/UBKTTW, ngày 27/7/2018 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Bí thư Đảng uỷ – Chính uỷ, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ – Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Ban Bí thư nhận thấy Thượng tướng Phương Minh Hoà trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ – Chính uỷ và Phó Bí thư Đảng uỷ – Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2010 – 2015; đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; chấp hành không nghiêm quyết định của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng nhưng chưa sử dụng ngay cho mục đích quốc phòng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, có trường hợp nghiêm trọng phải xử lý hình sự; ông Hoà đã trực tiếp ký nhiều văn bản về giao đất và phê duyệt phương án làm kinh tế không đúng quy định.
Vi phạm, khuyết điểm của Thượng tướng Phương Minh Hoà là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Thượng tướng Phương Minh Hoà bằng hình thức Cảnh cáo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức quyền BT Bộ TT-TT
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 900/QĐ/TTg về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho ông Nguyễn Mạnh Hùng.
nguyen_manh_hung.jpg
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel giữ chức quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Vào ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 900/QĐ/TTg về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tới ngày 26/7, ông Hùng đã có lịch làm việc chính thức tại Bộ này.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, ông được xem là một người quyết đoán, có nhiều dấu ấn quan trọng trong việc đưa Viettel từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn viễn thông hùng mạnh của Việt Nam.
Việc ông Hùng về nhận nhiệm vụ tại Bộ Thông tin và Truyền thông được nhiều doanh nghiệp trông đợi. Với kinh nghiệm gần 30 năm tại Viettel, họ kỳ vọng ông Hùng sẽ đưa ra được những chính sách nhằm phát triển thị trường, tháo nút thắt cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với những kiến thức sâu rộng về ngành công nghệ thông tin, viễn thông, ông Hùng được xem là sự lựa chọn hợp lý trong bối cảnh Chính phủ đang đặc biệt quan tâm tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc.
Vẫn nóng BOT
Vấn đề chung của nhiều trạm BOT giao thông cả nước – là gây tranh cãi, mâu thuẫn lợi ích – đã tái hiện tại trạm Mỹ Lộc (Nam Định) và Tân Đệ (Thái Bình) mấy ngày qua.
Năm 2009, dự án xây dựng tuyến đường Quốc lộ (QL) 21B nối TP Nam Định đến TP Phủ Lý (Hà Nam) dài 25,1 km được khởi công. Trong tổng chiều dài của tuyến có 3,9 km do Công ty Cổ phần TASCO đầu tư theo hình thức BOT.
my-loc.jpg
Một năm sau, chính quyền tỉnh Nam Định đầu tư mở rộng làn đường nói trên, mỗi bên thêm 5 m, vốn từ ngân sách địa phương, còn đất thì lấy từ diện tích dải phân cách.
Khi Nam Định mở thầu, TASCO trúng thầu luôn phần dự án này.
Thế là bất đồng đã xảy ra, giữa chủ phương tiện (ôtô, xe tải) và chủ đầu tư khi trạm Mỹ Lộc được đưa vào khai thác. Rất nhiều tài xế không chịu trả tiền khi đi qua trạm, cho rằng phần dự án mà TASCO đang thu tiền là do ngân sách nhà nước đầu tư.
Sáng 26/7, đoạn qua trạm BOT Mỹ Lộc tắc cả hai đầu do tài xế đừng xe phản đối, không mua vé qua trạm vì lý do nói trên; đồng thời cho rằng mức phí quá cao. Căng thẳng dần dần được đẩy lên cao trào.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định – nói ông không ủng hộ ý kiến của nhiều tài xế, vì “tuyến đường hoàn thành không chỉ có làn đường mà còn có các công trình phụ trợ (…). Nếu không có việc mở rộng thêm làn đường, thu hẹp giải phân cách thì theo hợp đồng, nhà đầu tư vẫn có quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư làm tuyến đường BOT”.
Đại diện tỉnh Nam Định cho biết sắp tới sẽ đàm phán với TASCO theo hướng giảm mức thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc để bảo đảm quyền lợi cả người dân và nhà đầu tư.
Trước đó, một dự án BOT khác, cũng của TASCO, đã gây “sóng gió”. Đó là trạm BOT Tân Đệ ở trị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Đây là dự cải tạo, nâng cấp QL 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ theo hình thức BOT. Năm 2016, hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT ký với TASCO được cho phép bổ sung thêm hạng mục quan trọng: Làm thêm tuyến tránh QL10 qua thị trấn Đông Hưng và sử dụng trạm thu phí cầu Tân Đệ để thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí hoàn vốn tại trạm Tân Đệ là thời gian hoàn vốn cho toàn bộ dự án, dự kiến 11 năm 9 tháng (từ tháng 4-2009 đến tháng 1-2021).
Lý do là QL10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng quá đông xe, đường chật, trong khi nguồn vốn ngân sách khó khăn không thể bố trí đầu tư nên lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề xuất làm thêm tuyến tránh.
Nay, hạng mục tuyến tránh Đông Hưng hoàn thành, nghiệm thu và TASCO đưa vào khai thác thì “sinh sự”!
Người ta nói họ không đi tuyến tránh Đông Hưng mà phải đóng phí qua trạm Tân Đệ là vô lý, đồng thời cho rằng thời hạn thu phí đã hết.
Bộ GTVT đã bác bỏ những thông tin nói trên, đưa ra những chứng lý để khẳng định việc thu phí qua trạm BOT Tân Đệ là có cơ sở.
Rõ ràng là tình trạng lộn xộn và rất phản cảm đó không nên có nhưng nó đã xảy ra, qua đó cho thấy sự lúng túng của Bộ GTVT và chính quyền các địa phương liên quan. Toàn bộ câu chuyện của trạm Tân Đệ và một phần câu chuyện của trạm Mỹ Lộc cùng mang “dáng dấp” trường hợp BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mà Chính phủ đã cho tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2017 đến nay.
Cốt lõi của vấn đề là dàn xếp cho được câu trả lời trước sự chất vấn của người đi đường: “Chúng tôi không sử dụng tuyến tránh mà sao đóng phí?”. Đến giờ, chưa ai trả lời thuyết phục được. Ngay cả cách giải thích “do nhà đầu tư đã bỏ vốn làm các hạng mục khác rồi” cũng chưa ổn, bởi đã bị vặn lại: “Những hạng mục ấy phải do ngân sách bỏ ra, vì chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi!”.
Hành vi vô lối của những người đi đường tất bị lên án. Song cách giải quyết vấn đề của Bộ GTVT cũng chậm và thụ động. Ví như trạm Tân Đệ, khi người ta bảo đã hết hạn thu phí thì mới trưng ra tài liệu chứng minh là còn. Tại sao không thông báo rộng rãi trước đó?
Trường hợp của Tân Đệ, Mỹ Lộc cũng như hàng chục BOT giao thông khác đòi hỏi Bộ GTVT – nếu trong sáng, vô tư – thì hãy công khai hợp đồng BOT đã ký với các chủ đầu tư ngay từ đầu.
Và chẳng lẽ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT mà Bộ GTVT cứ để tình hình BOT cứ như vậy hoài sao?
Tai nạn máy bay Su-22, 2 phi công hy sinh
Tai nạn xảy ra lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút. Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
2-phi-cong.jpg
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí và Thượng tá Phạm Giang Nam.
Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội; nhập ngũ ngày 20-9-1995; giờ bay tích lũy 1.130 giờ 37; giờ bay trong năm 111 giờ 08; đã bay qua các loại máy bay L-39, MiG-21, Su-22.
Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê quán Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình; nhập ngũ ngày 12-9-1991; giờ bay tích lũy 1.178 giờ 32; giờ bay trong năm 106 giờ 58; đã bay qua các loại máy bay: L-39, MiG-21Bis, Su-22M.
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác chính sách, chủ động thăm hỏi, động viên gia đình hai phi công hy sinh.
Ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã ký Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan đối với hai phi công của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không – Không quân) hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện.
Cụ thể, phi công Phạm Giang Nam truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng tá lên Đại tá; phi công Khuất Mạnh Trí truy thăng quân hàm sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá.
Đồng thời, cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2 liệt sĩ.
Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất sau 10 năm mở rộng
Sáng 28/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018). Thành phố Hà Nội cũng vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp này.
hthai.jpg
Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, sau chặng đường 10 năm, cả hệ thống chính trị của thành phố đang cùng nhau nghiêm túc tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn mà nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ nhân dân Thủ đô đã đạt được trên mọi mặt.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12, đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trước và trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có nhiều vấn đề khó khăn, thách thức đặt ra, đó là: quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội, tình hình kinh tế – xã hội còn khó khăn…
Nhìn lại chặng đường 10 năm với biết bao khó khăn, mới mẻ cùng những băn khoăn, trăn trở, đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đón nhận, thực hiện nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao phó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đánh giá, đây là khoảng thời gian không dài nhưng Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo, tầm vóc, vị thế của Thủ được nâng cao.
Sau 10 năm hợp nhất, tổng diện tích của Thủ đô là 3.358,92km2 (gấp 3,6 lần so với trước khi sáp nhập), dân số 7,7 triệu người (gấp 1,24 lần năm 2008), có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 584 xã, phường, thị trấn.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực mà lãnh đạo cùng người dân thủ đô đã làm trong 10 năm vừa qua, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: “Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn… đem lại thế và lực mới cho thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài”.