Hiện nay thời tiết đã bước vào mùa mưa làm môi trường thay đổi đột ngột, mưa làm rửa trôi phèn, các chất hữu cơ, độc tố tích tụ từ bờ xuống ao cá làm môi trường nước trong ao nuôi cá luôn biến động. Đây là những nguyên nhân làm cho cá dễ bị […]
Hiện nay thời tiết đã bước vào mùa mưa làm môi trường thay đổi đột ngột, mưa làm rửa trôi phèn, các chất hữu cơ, độc tố tích tụ từ bờ xuống ao cá làm môi trường nước trong ao nuôi cá luôn biến động.
Đây là những nguyên nhân làm cho cá dễ bị sốc (stress), dễ mẫn cảm với bệnh tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có trong môi trường nước tấn công và gây bệnh cho cá.
Phương pháp phòng bệnh chung:
– Chọn cá giống tốt, không nhiễm bệnh.
– Vệ sinh sạch sẽ xung quanh ao. Quản lý môi trường nước tốt, tránh đánh bắt làm cá xây xát, không để cá bị bệnh ngoài da tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
– Định kỳ xử lý nước 1 tuần/lần trong mùa có bệnh, các mùa khác thì 10 – 15 ngày/lần bằng 1 trong các hoá chất sau: Vimekon 1kg/2.000m3 nước hoặc BKC 80% 1lít/ 2.000m3 nước, Vime-Iodine 1lít/ 3.000m3 nước, vôi nông nghiệp (CaCO3) 20 – 30kg/100m2… Sau đó dùng Vime-Yucca hoặc Zeolite hạt để hấp thu khí độc làm sạch đáy ao.
– Thường xuyên bổ sung Vitamin và các chất khoáng như Vitamin C Antistress, Vime-Glucan, Vemevit N.9, Prozyme for fish… để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Các bệnh của cá thường gặp trong mùa mưa:
BỆNH GAN, THẬN CÓ MỦ
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra, xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá, tỉ lệ hao hụt lớn nhất ở giai đoạn cá giống.
Triệu chứng: Bên ngoài cá có biểu hiện không rõ ràng, cá hơi gầy, triệu chứng thường gặp nhất là cá bơi lội bất thường, đảo lộn xoay tròn trên mặt nước. Trong nội tạng cá xuất hiện các khối u nhỏ màu trắng phát triển trên các cơ quan của cá đặc biệt là gan, thận, tỳ tạng. Cá bệnh nặng bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước, tỉ lệ chết cao.
Trị bệnh: Việc điều trị chỉ có hiệu quả khi phát hiện bệnh sớm, nên thay nước rồi xử lý nước kết hợp với trộn thuốc vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 7 – 10 ngày:
+ Sáng: Vime-Fenfish 2000 với liều 1 lít/ 20 tấn cá.
+ Chiều: Vime-Glucan 1kg/6 – 8 tấn cá.
BỆNH XUẤT HUYẾT – PHÙ ĐẦU
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas, Aeromonas spp… các vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể cá khi cá bị tổn thương mang, da. Bệnh xuất hiện quanh năm.
Triệu chứng: Cơ thể cá bị xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, miệng và nắp mang, nhiều nhất là ở hậu môn, hai bên và phía dưới bụng. Cá bị bệnh nặng một số con tách đàn, bơi dọc bờ ao, gan có thể bị xuất huyết và nhũn, có dịch vàng trong xoang bụng, mắt bị lồi sưng phù một bên hoặc cả 2 bên.
Trị bệnh:
+ Thay 30 – 50% nước trong ao, vệ sinh xung quanh ao.
+ Tắm cá bằng Fresh water 100g/150m3 hoặc BKC 80% 1lít/2.000m3 nước… sử dụng lúc trời mát.
+ Trộn thuốc vào thức ăn liên tục 5 – 7 ngày: 1kg Trimesul cho 4 tấn cá.
+ Bổ sung Glusome 115 và De-Amin giúp cá tăng sức đề kháng cho cá.
BỆNH LỞ LOÉT
Dịch bệnh lở loét ở cá là một bệnh lây lan rất nhanh. Nguyên nhân cơ bản do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các yếu tố môi trường. Bệnh xuất hiện nhiều vào những lúc giao mùa.
Triệu chứng: Bên ngoài xuất hiện các vết loét, xung quanh mắt và da xuất huyết. Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ra ở vùng hậu môn. Trong xoang bụng xuất huyết và chứa nhiều dịch nhờn, gan, thận đều có hiện tượng xuất huyết.
Trị bệnh:
+ Thay 30 – 50% nước trong ao, vệ sinh xung quanh ao và xử lý nước bằng một trong các hoá chất Fresh water, BKC 80%, Vimekon…
+ Trộn thuốc vào thức ăn 5-7 ngày: 1 kg Anti-RED sử dụng cho 2 tấn cá.
+ Bổ sung Glusome 115, Vitamin C Antistress, Elecamin… giúp tăng sức đề kháng cho cá.
Lưu ý: Nên tính lượng thuốc dựa vào số lượng cá trong ao vì khi cá bệnh thường giảm ăn./.
Trạm KN Gia Lâm (Theo Báo NNVN)