Cây Đương Quy : Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu quý

Đương quy là cây thảo dược dược dùng nhiều trong Đông y có nguồn gốc Trung Quốc và được đưa về trồng tại Việt Nam từ khá sớm từ những năm 60 ở những địa phương có khí hậu mát mẻ và thường thích hợp với khu vực có độ cao thường trên 1000 m […]

Đương quy là cây thảo dược dược dùng nhiều trong Đông y có nguồn gốc Trung Quốc và được đưa về trồng tại Việt Nam từ khá sớm từ những năm 60 ở những địa phương có khí hậu mát mẻ và thường thích hợp với khu vực có độ cao thường trên 1000 m so với mặt nước biển như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu…hay gần đây được trồng nhiều ở Đà Lạt

Đương quy là gì?

Đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv.) Diels. họ hoa tán Apiaceae, đây là một trong những loại cây thuốc đã được đông y sử dụng từ rất lâu đời. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và được di thực vào nước ta từ thế kỷ trước.

Bên cạnh đó, những năm gần đây cũng có một cây đương quy Nhật Bản cùng họ cũng được di thực vào nước ta. Thường được trồng ở nơi có khí hậu mát mẻ và có độ cao trên 1000m so với mặt nước biển như Hà Giang, Lào Cai…hay gần đây là được trồng nhiều ở Đà Lạt.

Đương quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc. Lá mọc so le, 2-3 lần xẻ lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chét; đôi lá chét phía dưới có cuống dài, đôi lá chét phía trên đỉnh không có cuống; lá chét lại xẻ 1-2 lần nữa, mép có răng cưa; phía dưới cuống phát triển dài gần 1/2 cuống, ôm lấy thân.

Hoa nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa. Qủa bế có rìa màu tím nhạt. Ra hoa vào tháng 7-8.

Hoa đương quy nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép
Hoa đương quy nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép

Công dụng của Đương quy

Khoa học nghiên cứu đương qui thấy rằng sâm có chứa nhiều tinh dầu và các loại vitamin rất tốt cho sức khỏe như Tinh dầu (0,02%), Glucose, Vitamin B12,coumarin, caroten…

Trong đó vitamin B12 rất quan trọng vì Vitamin B12 cần thiết cho tất cả các mô có tốc độ sinh trưởng tế bào mạnh (mô tạo máu, ruột non, tử cung…).

Cây, củ và lá cây đương quy chứa nhiều Vitamin B12 và tinh dầu

Một số chế phẩm có bán trên thị trường có thành phần của đương quy như : Thập toàn đại bổ, Dưỡng não hoàn, Tứ vật thang, Vạn ứng cao, Hoạt huyết CM3…

Các nghiên cứu khoa học hiện đại đều chứng minh sâm đương qui có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết,, xương khớp điều hòa khí huyết, thông kinh, nhuận tràng. Dùng chữa các chứng bệnh: Suy nhược, thiếu máu, táo bón, cao huyết áp, kém ăn, ra mồ hôi nhiều, phụ nữ tắc kinh, hành kinh đau bụng

Cây Đương quy có thể sử dụng: rễ, thân, lá

Rễ của cây đào vào cuối thu. Thường phải phân loại rễ xơ rễ rồi được chế biến dùng dạng tươi hoặc sấy để bảo quản để sấy đảm bảo Shop Rừng Vàng hiện đang sấy bằng máy sấy dược liệu chuyên dụng.

Cây đương quy tươi thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ, phơi khô hoặc sao khô để sử dụng. Cũng có thể để nguyên cành lá để ngâm nguyên cả củ và thân, lá cây cũng rất tốt

Cây đương quy chủ yếu được sử dụng thân và rễ

Thường có ba cách chế biến đương quy và chia đương quy ra thành ba loại như sau:

Quy đầu: là lấy một phần phía đầu, đường kính quy đầu 1,0 – 3,5 cm có tác dụng bổ huyết song lại thiên về tác dụng chỉ huyết

Quy thân: là bỏ đầu và đuôi đường kính quy thân và quy vĩ 0,3 – 1,0 cm

Quy vĩ: lấy phần rễ nhánh ngoài tác dụng bổ huyết, lại thiên về tác dụng hoạt huyết

Điều kiện đất đai khí hậu để trông cây Đương Quy

Đương quy thích ứng với khí hậu mát ẩm, biên độ nhiệt độ 15 – 25oC, lượng mưa 1.600 – 2.000 mm/năm, đất giàu mùn.

Chọn vùng có khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiệt độ thích hợp từ 15 – 25OC.

Phù hợp với các loại đất pha cát hoặc thịt nhẹ, nhiều mùn, tơi xốp, tầng canh tác sâu, thoát nước tốt. Đất trồng cần đảm bảo sạch bệnh, không có cỏ dại và thuận tiện cho việc tưới tiêu. Giao thông dễ dàng để thuận lợi cho việc vận chuyển khi thu hoạch.

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Đương Quy

Giống và kỹ thuật xử lý gieo hạt

Giống cho sản xuất dược liệu là hạt thu từ cây 2 năm tuổi, hạt chắc mẩy, tỷ lệ nẩy mầm trên 70%. Hạt giống đương quy trong điều kiện bảo quản thông thường rất dễ mất sức nảy mầm, khi gieo tỷ lệ mọc mầm kém. Vì vậy tốt nhất là nên lấy hạt giống vừa thu hoạch năm đó đem gieo thì tỷ lệ nảy mầm tốt.

Lượng hạt giống gieo cần 9 – 10 kg/ha. Trước khi gieo có thể ngâm vào nước ấm 40 – 45°C ( tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh ) trong thời gian 1 – 2 giờ. Sau đó vớt ra rửa sạch nước chua, để ráo nước đem gieo. Cũng có thể ủ hạt giống (theo kiểu ngâm giá đỗ) cho hạt nảy mầm sau đó đem gieo.

Phương thức trồng-gieo hạt

Trồng đương quy để thu dược liệu có thể dùng một số phương pháp sau: gieo hạt qua vườn ươm sau đó đánh cây đi trồng, gieo hạt trực tiếp (gieo thẳng) hoặc có thể gieo hạt vào bầu sau đó đưa đi trồng.

* Phương pháp gieo hạt trên vườn ươm:
Đất vườn ươm chọn nơi bằng phẳng, ít sỏi đá, thuận tiện tưới tiêu nước. Đất được làm nhỏ, lên luống cao 20 – 25 cm, rộng 90 cm. Bón lót cho 1ha với lượng 10 tấn phân chuồng hoai mục + 250 kg supe lân + 10 kg kali clorua. Rải đều các loại phân lên mặt luống, trộn đều phân vào đất, san phẳng mặt luống, sau đó rắc đều hạt trên luống.

Gieo xong phủ rơm rạ kín mặt luống và thường xuyên tưới nước để đất đủ ẩm.Sau khi hạt mọc mầm (khoảng 15 ngày) dỡ bỏ rơm rạ.

Cần tiến hành làm cỏ và tỉa bớt cây xấu.Khi cây có 6 – 7 lá tỉa định cây để khoảng cách cây 5 cm. Sau mỗi lần làm cỏ, tỉa cây có thể tưới thúc phân chuồng loãng.Khi cây được 8 – 9 lá, chọn cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh, đánh trồng ra ruộng sản xuất.

* Gieo thẳng lên ruộng:

Sau khi lên luống xong, dùng vồ hoặc gậy đập nhỏ đất mặt luống. Rạch ngang luống với khoảng cách 20 – 25 cm, gieo hạt đều theo hàng đã rạch (hoặc gieo hốc). Gieo xong phủ rơm, rạ kín mặt luống, dùng thùng có vòi hoa sen để tưới ẩm thường xuyên.Sau khi gieo khoảng 13 – 15 ngày hạt bắt đầu mọc mầm, khi hạt mọc rộ cần dỡ bỏ rơm rạ phủ mặt luống.

* Phương pháp gieo hạt trong bầu:

Mỗi bầu gieo 4 – 5 hạt. Sau khi gieo xong phủ rơm rạ (hoặc xếp vào giàn có mái che) để tránh mưa.Tưới ẩm hàng ngày, chú ý không để cho mặt bầu bị váng.Sau khi gieo khoảng 15 ngày hạt bắt đầu nảy mầm, dỡ bỏ rơm rạ, vẫn tiếp tục tưới cho bầu đủ ẩm.Khi cây được 2 lá tỉa bớt các cây xấu; khi cây 3 lá tỉa định cây, mỗi bầu để 2 cây.Khi cây có 3 – 4 lá có thể mang cây ra ruộng trồng. Không để cây con quá lâu trong bầu. Trong giai đoạn cây con ở trong bầu nếu thấy cây cằn cỗi cần tưới thúc bằng nước hòa phân đạm pha loãng 7 – 10% để cây con sinh trưởng tốt.

Đây là phương pháp tốt để chủ động có đủ cây con trồng, không sợ lỡ thời vụ.

Thời vụ trồng cây đương quy

Đương quy trồng thu dược liệu trồng ở đồng bằng (gieo hạt tháng 10, thu hoạch tháng 6 – 7 năm sau ), thời gian sinh trưởng là 9 – 10 tháng.

Đương quy trồng ở vùng núi cao như: Sapa, Tam Đảo, (gieo hạt tháng 10-11, thu hoạch vào tháng 11 – 12 năm sau), thời gian sinh trưởng phát triển là 11 – 12 tháng.

Đương quy trồng tại Tây Nguyên: Gieo hạt tháng 6 – 7, thu hoạch vào tháng 10, 11 năm sau, thời gian sinh trưởng là 14 -18 tháng, dược liệu sẽ đảm bảo về hoạt chất. Do thời gian sinh trưởng sinh thực dài hơn nên trồng

Đương quy ở vùng miền núi và Tây Nguyên củ sẽ to hơn, năng suất cao hơn, hoạt chất tốt hơn.

Chuẩn bị đất trồng cây

Chọn đất: Đất cát pha, phù sa hoặc thịt nhẹ, thoát nước tốt. pH: 6,5 – 7. Tầng canh tác trên 30cm.
Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống cao 30 – 35 cm, mặt luống rộng 90 – 120 cm, rãnh 30 cm.

Chuẩn bị phân bón và cách bón phân:

– Phân chuồng mục 20 tấn + 400 kg urê + 900 kg supe lân + 170 kg kali clorua/ha.
+ Bón lót:
Bón toàn bộ lượng phân chuồng + supe lân + 50% kali clorua
+ Bón thúc: Chia làm 3 đợt:
Đợt 1: Khi cây ra 6 lá bón 25% phân đạm.
Đợt 2: Khi cây trải lá bón 25% đạm + 25% kali.
Đợt 3: Trước khi thu hoạch 1,5 – 2 tháng bón nốt 25% đạm + 25% kali.

Mật độ khoảng cách trồng

Mật độ khoảng cách trồng trên luống thường là 125.000 – 130000 cây/ha với khoảng cách cây cách cây 20 x 20cm, hàng cách hàng 30cm.

Kỹ thuật trồng cây đương quy

Chọn cây có từ 4-5 lá, không sâu bệnh, không cụt ngọn đem trồng. Khi trồng đặt cây giống nhẹ nhàng vào giữa hốc đã xác định mật độ khoảng cách dùng tay vun đất xung quanh cây, lấp kín phần gốc rễ, sau đó ấn chặt đất. Trồng xong phải tưới nước ngay để cố định cây và giữ ẩm cho cây nhanh hồi xanh.

Chăm sóc cây đương quy

Sau khi gieo hạt ở vườn ươm hay ở ruộng gieo thẳng hoặc trong bầu phải tưới nước đều mỗi ngày 2 lần cho đất luôn ẩm, hạt sẽ nảy mầm sau 10 ngày và mọc đều sau 15 ngày. Sau khi hạt mọc tưới nước ít hơn, độ 1-2 ngày tưới một lần.

Tỉa dặm và định cây: Cây mọc, nếu dày quá phải tỉa bớt những cây nhỏ, yếu và đến khi cây được 3-4 lá thật bứng ra trồng và định cây với khoảng cách 20cm một cây. Sau khi trồng 3-5 ngày cần kiểm tra kỹ, nếu gặp cây chết phải kịp thời trồng dặm cho mật độ được đồng đều để năng suất cao hơn.

Làm cỏ: Khi cây còn nhỏ phải thường xuyên nhổ cỏ, không để cỏ lấn át cây con. Khi đã định cây hay cây trồng đã bén rễ, cần làm cỏ 20-30 ngày một lần cho đến khi lá cây phủ kín luống thì thôi, kết hợp với bón thúc phân. Nếu mưa rào nhiều, đất bị đóng váng cần xới xáo cho đất thoáng.

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Đương Quy

Sâu bệnh trên cây đương quy và phương pháp phòng trừ

Cây Đương quy thường gặp các loại sâu, bệnh sau:

+ Các loại sâu: Sâu xám, sâu xanh, rệp, nhện đỏ.

+ Các bệnh: Lở cổ rễ, đốm lá, bệnh sùi củ.

Biện pháp phòng trừ

Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, xử lý hạt, xử lý đất, dọn vệ sinh đồng ruộng thường xuyên.

Đối với sâu xám thường gây hại trên vườn ươm vào giai đoạn mới trồng, có thể bắt bằng tay vào sáng sớm, hoặc rắc Basudin từ 40- 45 kg/ha. Sâu xanh, rệp có thể phun Sherpa 10EC, thuốc tập kỳ 18EC, Vipast 5ND với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, thời gian cách ly 10 – 15 ngày. Nhện đỏ (phát sinh vào tháng 5 – 6): Dùng Pegasus phun với nồng độ 0,1% hoặc Supracide 0,5% vào mặt dưới lá.

Đối với các loại bệnh có thể dùng:
– Daconil 75WP, Score 250ND phun, tưới trực tiếp dung dịch thuốc vào gốc cây. Nồng độ, lượng dùng theo đúng chỉ dẫn nhãn thuốc.
– Thời gian cách ly 14 – 21 ngày. Ngoài ra có thể luân canh có thể cải thiện tình hình bệnh của Đương quy.

Chú ý: Không dùng các loại thuốc cấm, các loại thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam và các loại thuốc hạn chế sử dụng.

Thu hoạch, sơ chế cây Đương quy.

Vào tháng 11- 12, khi cây Đương quy có biểu hiện lá úa vàng, tàn lụi, cần tiến hành thu hoạch. Chọn thời điểm thu hoạch lúc trời khô, nắng để tận dụng phơi dược liệu, tránh hoạch khi trời mưa ẩm. Sau đó rửa nước sạch vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Bài thuốc Đông y với sâm đương quy

Theo đông y đương quy vị ngọt, cay, tính ôn. Vào 3 kinh tâm, can, tỳ, tác dụng bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong đông y. Nó là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời dùng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác

Thiếu máu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao, người gầy yếu :
Đương quy khô, bạch thược, xuyên khung, thục địa mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1thang sắc 3 bát để lại 1 bát, uống liền 3 – 4 tuần lễ đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trường hợp khí và huyết đều kém, người mệt mỏi, vô lực, da xanh xao, gầy còm :

Bài 1: đương quy 12g, hoàng kỳ 40g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần lễ.
Bài 2: đương quy, nhân sâm (đảng sâm), bạch linh, bạch truật, bạch thược, thục địa mỗi vị 12g; xuyên khung 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần lễ; hoặc dùng dưới dạng viên hoàn, uống dài ngày.
Trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết đều kém, cơ thể gầy yếu, kém ăn, kém ngủ:
đương quy, viễn chí, cam thảo mỗi vị 4g; bạch truật, hoàng kỳ, bạch linh, hắc táo nhân mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang

Trị chứng bế kinh, đau bụng kinh:

Đương quy, sinh địa, ngưu tất, hồng hoa, xuyên khung mỗi vị 6g; chỉ xác 8g; sài hồ, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị các chứng xuất huyết:

Đương quy, bồ hoàng, đại hoàng, hòe hoa, a giao mỗi vị 30g. Tất cả các vị thuốc đều tán sao, thêm mật ong làm hoàn, ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

Trị vấp ngã gây đau:

Đương quy 12g, tục đoạn 10g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 12g, địa hoàng 10g, vảy sừng hươu 2g, quế bột một thìa cà phê, nước vừa đủ, sắc uống nóng.

Bài Tứ vật thang:

Dùng cho phụ nữ, chữa thiếu máu, kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược, đau ở rốn, khi đẻ xong, huyết hôi ra rỉ rả không ngừng, dùng: đương quy 12g, bạch thược 8g, thục địa 12g, xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Trị viêm tiền liệt tuyến:

Hạt quýt 15g, hạt vải 15g, đương quy 15g, thịt dê 50g. Nấu lên, ăn thịt, uống nước. Tuần ăn 2 lần hoặc lá hành 25g, đương quy 8g, trạch lan 5g. Sắc nước uống thay chè hằng ngày.

Dưỡng huyết, tán hàn. Trị sinh xong, bụng bị đau do doanh huyết không đủ, sán khí do hàn.

Dương nhục 64g, Đương quy12g, Sinh khương 20g
Sắc uống (ăn luôn cả bã) lúc còn âm ấm.

Món ăn bài thuốc với đương quy

Do trong thành phần sâm có chứa tinh dầu, mùi vị rất thơm ngon, sâm quy còn được sử dụng trong chế biến các món ăn hằng ngày, vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có công dụng chữa bệnh

Tim lợn hầm đương quy món ăn chữa hôi nách công hiệu
Nguyên liệu:
1 quả tim heo
20g đẳng sâm
0,1 kg đương quy
Rượu nếp
1 củ gừng
Gia vị các loại

Cách nấu:

Bước 1: Tim lợn đem rửa sạch sẽ để ráo, bổ đôi tim lợn rồi trần qua nước nóng già. Sau khi trần với nước sôi thì tráng 1 lần với rượu nếp 40 độ để làm sạch hết mùi tanh, rửa sạch máu đọng lại trên tim.
Sau khi trần và làm sạch thì đem khứa tim thành nhiều phiến và để ráo.
Bước 2: Rửa sạch đẳng sâm và đương quy rồi nhét vào bên trong tim lợn đã làm sạch ở trên,Ghim kín bằng tăm tre
Bước 3: Cho tim heo vào nồi hầm, rắc lên phía trên vài lát gừng, hành, tỏi và thêm 1 chút rượu nếp.
Hầm với nhiệt độ cao đến khi tim heo chín mềm.
Khi tim heo đã chín, chúng ta lấy hết đương quy và đảng sâm bên trong ra rồi nêm nêm gia vị vừa ăn khi ăn thì ăn tim heo cùng với đương quy và đẳng sâm cho tăng công hiệu

Món gà ác hấp cách thủy giúp bồi bổ cơ thể

Nguyên liệu:
1 con gà ác khoẳng 200 g,
đương quy : 30g
hoàng kỳ : 30g,
kỷ tử 15g
5 quả táo đỏ.

Cách nấu

Bước 1: trước tiên bạn làm sạch gà ác, mổ bụng bỏ nội tạng, rửa sạch.
Bước 2: Tiếp đến cho 3 nguyên liệu còn lại đã rửa sạch vào bụng gà và cho gia vị vừa ăn.
Bước 3: Đem gà nhồi thuốc này hấp cánh thủy đến khi nào chín mềm.
Khi gà chín, bạn bỏ bã thuốc, chỉ ăn thịt gà và uống nước canh. Ăn món ăn này liên tục mỗi tuần một lần và trong 3 tháng sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó còn giúp bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe.

Ngoài ra lá non của cây đương quy có thể dùng để xào có mùi vị như mùi cần tây rất thơm ngon và bổ dưỡng

Còn nhiều món ăn bài thuốc khác trong bài biết sau chúng tôi sẽ tổng hợp món ăn bài thuốc với đương quy

Kiêng kỵ và lưu ý khi sử dụng sâm đương quy

  • Đầu rễ có công dụng bổ máu hơn so với phần thân.
  • Phần cuối rễ tốt cho hoạt huyết.
  • Phần thân rễ: hoạt huyết và bổ máu.
  • Trong quá trình phối hợp đương qui với rượu có thể làm tăng tác dụng bổ máu.

Kiêng kỵ: Do đương qui có tính nhuận hoạt tràng nên không dùng đương qui cho các trường hợp thấp quá mức ở tỳ và vị và ỉa chảy hoặc phân lỏng.

Bài thuốc ngâm rượu đương quy

Bài 1: Tửu Đương quy (rượu đương quy):
Lấy Đương qui đã thái thành lát, phun rượu cho đều, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội.
Tỷ lệ: Cứ 1kg Đương quy ngâm cùng 10 lít rượu.
Ngâm 100 ngày dùng được

Bài 2: Nâng cao thể trạng, giúp ăn ngon, chữa mất ngủ, mệt mỏi
Đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, đương quy mỗi thứ 60 g.
Ngâm với 5 lít rượu
Ngâm sau 100 ngày thì dùng được

Bài 3: Tác dụng bổ dương lợi tiểu
Ba kích tím tửu: ba kích 18g, ngưu tất 18g, đương quy 20g, khương hoạt 27g, hạt tiêu 2g, thạch hộc 18g, sinh khương 27g ngâm cùng với 5 lít rượu.