Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam: 150 nước ăn cá tra, nhưng người Việt không ăn vì… thiếu thông tin

Sản phẩm có tính đặc thù, bổ dưỡng và giá rẻ, nhưng sản phẩm cá tra lại ít được tiêu thụ và sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Phóng viên Dân Việt trao đổi với ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam về cách thức thúc đẩy tiêu thụ […]

Sản phẩm có tính đặc thù, bổ dưỡng và giá rẻ, nhưng sản phẩm cá tra lại ít được tiêu thụ và sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Phóng viên Dân Việt trao đổi với ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam về cách thức thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các thị trường chủ lực tiêu thụ cá tra của Việt Nam như Mỹ, EU, Hồng Kông, Trung Quốc… đều sụt giảm nên hàng tồn kho nhiều. Giá bán hiện nay thấp hơn giá thành, do đó người nuôi và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
“Mức giá đưa ra thị trường hiện nay 30.000 – 40.000 đồng/kg, thấp hơn so với các thực phẩm khác. Quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh khâu truyền thông và các Bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính có chính sách cho tốt thì tôi nghĩ việc tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa dần dần sẽ phát triển tốt” – ông Quốc khẳng định.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam.

Mặt hàng cá tra đang được rất nhiều nước tin dùng, nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa mặn mà với cá tra và các sản phẩm chế biến từ cá tra. Vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của mặt hàng này và cách thức để tiếp cận thị trường trong nước?
– Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các thị trường chủ lực tiêu thụ cá tra của Việt Nam như Mỹ, EU, Hồng Kông, Trung Quốc… đều sụt giảm. Vì thế, chúng ta tập trung quảng bá hình ảnh con cá tra và có kết nối các tập đoàn, các siêu thị lớn để giúp người dân tiếp cận được sản phẩm cá tra chế biến ở thị trường nội địa.
Việc chú trọng, thúc đẩy kênh tiêu thụ nội địa là cách đi đúng hướng, nhưng cũng cần có thời gian. Từ trước đến nay các sản phẩm cá tra tiêu thụ ở thị trường nội địa hiện còn hạn chế. Chính vì vậy, khâu truyền thông, xây dựng kênh phân phối, thậm chí có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, tôi cho rằng đây là việc rất là tốt để khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì chúng ta có thể giải quyết thị trường nội địa để giảm bớt sự khó khăn, mang lại hiệu quả sản xuất bền vững hơn.
 
Cá tra là sản phẩm đặc thù của Việt Nam, với 6.200ha nuôi cho sản lượng 1,72 triệu tấn cá tra với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Ông đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh cung ứng, bán sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa?
–  Thực chất, phải nói thị trường nội địa có mấy cái khó: Thứ nhất, người dân mình quen ăn cá tươi; Thứ hai, hiện nay tỷ lệ người nuôi sử dụng cá đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến chưa nhiều. Chính vì vậy, nếu để một mình các doanh nghiệp tập trung xây dựng thị trường nội địa thì phải nói đầu tư lớn trong khi các chi phí, lợi nhuận còn thấp.
Tiềm năng thị trường nội địa với gần 100 triệu dân là rất lớn. Khi tập trung truyền thông tốt, để người dân quen dùng cá tra fillet đông lạnh và các sản phẩm cá tra với mức giá rẻ hơn các thực phẩm khác thì đây là nguồn tiêu thụ rất lớn, ổn định, lâu dài. Chúng ta khỏi phải cực khổ đi tìm mở các thị trường xuất khẩu tốn kém, đưa đi tốn nhiều chi phí, trong khi tiềm năng thị trường mình rất lớn nhưng thời gian vừa qua việc quan tâm còn chưa đến nơi, đến chốn.
Như ông vừa nói, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen tiêu dùng nhiều đồ đông lạnh và còn khó khăn trong việc tiếp cận cá tra và sản phẩm cá tra. Vậy, ông đánh giá như thế nào khi một số doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị đưa cá tra và sản phẩm cá tra vào các siêu thị, bếp ăn công nghiệp, văn phòng để từng bước tiếp cận thị trường nội địa?
– Điều này, tôi cũng có nói vấn đề khâu truyền thông, truyền thông về cá tra ở các thị trường nước ngoài thì có nhưng ở trong nước lại ít. Chính vì vậy, thói quen của người dân chưa có thôi, chứ thực sự nếu thịt cá tra ngon, giá rẻ, tiêu chuẩn đầy đủ thì việc phân phối vào các khu công nghiệp, doanh trại quân đội hay các trường học và mở rộng ra để người dân quen sử dụng. Thực ra, mình rất lợi thế, nhưng mình thời gian vừa qua mình xem nhẹ việc tiêu thụ nội địa, một thị trường rộng lớn của mình với gần 100 triệu dân, có phải là ít đâu.
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dinh dưỡng của cá tra và mặt hàng này lợi thế so với các mặt hàng tiêu dùng khác về thủy sản như thế nào?
– Về mặt dinh dưỡng, các nhà khoa học đã phân tích cá tra rất tốt, ví dụ về hàm lượng đạm, các loại dinh dưỡng khác đầy đủ, có Omega 3, rồi khẩu vị cá phù hợp với người Việt Nam. Cớ vì sao các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và một số thị trường khác tiêu dùng, mình lại không có tiêu dùng?
Ăn cá tra giúp cho sức khỏe nhiều, không bị cholesterol,  có Meoga 3, hàm lượng đạm đầy đủ và các loại dinh dưỡng khác. Đặc biệt, giá cá tra so với các loại thịt và các loại cá thì rẻ hơn. Hàng  ngon, đảm bảo dinh dưỡng, giá rẻ, cớ sao vướng mắc cái gì thị trường nội địa còn hạn chế? Làm rõ và khắc phục được điều này thì đây sẽ là kênh tiêu thụ vô cùng quan trọng và ổn định.
Sau những hợp tác, ký kết tại sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” diễn ra chiều nay, theo ông, cần phải có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy?
– Theo tôi, chuyện ký kết là bước đầu để khai thông, mở rộng các thị trường nội địa, tuy nhiên nó còn đi theo một loạt vấn đề: Thứ nhất, về nghiên cứu mặt hàng, ví dụ cá tra fillet hay cá cắt khúc và các sản phẩm giá trị gia tăng thì các doanh nghiệp cũng phải có sự nghiên cứu thị trường vùng miền để có thể cung cấp đảm bảo đúng.
Thứ hai, về kho bãi, xây dựng hệ thống, ví dụ ở Hà Nội, rồi các tỉnh và xuống dưới huyện như thế nào. Tôi cho rằng, còn nhiều vấn đề không phải đơn giản. Đồng thời, phải đẩy mạnh truyền thông, có chính sách ưu đãi về tín dụng, về thuế… để đảm bảo giữa các doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có lợi nhuận ở mức thấp nhất để họ duy trì, phát triển. Nếu không có chính sách kèm theo thì sẽ hạn chế  trong việc xây dựng kênh tiêu thụ nội địa.
Xin cảm ơn ông!
Chiều nay sẽ diễn ra sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”: Cá tra sẽ có mặt trong hệ thống Vinmart của Masan
Từ ngày 9-12/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020 tại Hà Nội, trong đó có sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”, diễn ra vào 15h ngày 9/6.
Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020 là cơ hội để cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam được giới thiệu đến người tiêu dùng và đặc biệt là người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng mặt hàng cá tra, với 6.200ha nuôi, mỗi năm chúng ta đạt sản lượng 1,72 triệu tấn cá tra với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Đây là ngành hàng thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao khi xuất khẩu đi 150 nước và được các thị trường khó tính như Mỹ, EU… tin dùng. Từ cá tra, các doanh nghiệp đã chế biến ra khoảng 85 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như cá tra giả lươn, cá tẩm bột, xúc xích, rồi các thực phẩm chức năng collagen…
Dự kiến, trong dịp này sẽ có những ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Sao Mai với Central Group, Tập đoàn Masan (đại diện Vinmart) với Tập đoàn Nam Việt; Công ty Hùng Cá với Công ty Thương mại Hapro; hợp tác tiêu thụ cá tra giữa hợp tác xã Sản xuất và thương mại Xuyên Việt với Tập đoàn Central Group; Ký kết giữa Công ty TNHH Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh để đưa cá tra vào các khu công nghiệp.
Khương Lực (Dân Việt)