Cục Chăn nuôi lí giải vì sao giá gà nhập khẩu ‘rất rẻ’

“Đối với các nước khác, thịt đùi gà không phải là thịt chính, vì họ chỉ ăn thịt ức gà nên giá thịt đùi gà nhập về rất rẻ. Thực tế lượng thịt gà nhập khẩu từ đầu năm đến nay có tăng nhưng chủ yếu là đùi gà và sản phẩm phụ, không ảnh […]

“Đối với các nước khác, thịt đùi gà không phải là thịt chính, vì họ chỉ ăn thịt ức gà nên giá thịt đùi gà nhập về rất rẻ. Thực tế lượng thịt gà nhập khẩu từ đầu năm đến nay có tăng nhưng chủ yếu là đùi gà và sản phẩm phụ, không ảnh hưởng đến giá gà trong nước”, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngoài nhập khẩu một số sản phẩm gia cầm, Việt Nam cũng đã xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản. 

Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay việc nhập khẩu các sản phẩm thịt gà hầu như không ảnh hưởng đến giá gà trong nước. Năm 2019, chúng ta nhập khoảng 144.000 tấn thịt gia cầm, trong 3 tháng đầu năm nhập khoảng 40.000 tấn, tăng khoảng 36% so với cùng kì.
Mặt hàng thịt gà nhập khẩu chủ yếu là thịt đùi gà, còn cơ bản là các sản phẩm phụ như cánh gà, chân gà…
Ông Trọng nhấn mạnh: “Đối với các nước khác, thịt đùi gà không phải là thịt chính, vì họ chỉ ăn thịt ức gà nên các sản phẩm còn lại có giá rất rẻ. Thực tế là giá thịt đùi gà các doanh nghiệp nhập về rất rẻ, tương đương với giá gà công nghiệp trong nước. Thị hiếu người Việt Nam thích ăn thịt gà đùi nên các doanh nghiệp mới nhập về nhiều. Tuy nhiên nếu so với sản lượng thịt gà trong nước thì lượng thịt nhập không đáng kể và cũng không ảnh hưởng tới giá gà trong nước”.
Song song với việc nhập khẩu thịt gà và một số sản phẩm gia cầm, chúng ta vẫn có sản phẩm thịt gà xuất khẩu. Cụ thể là một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Kyou & Unitek, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty Bel Gà đã liên kết chuỗi để đầu tư dây chuyền chế biến thịt gà xuất sang Nhật Bản. Nghĩa là chúng ta vẫn có thị trường.
“Sản phẩm chăn nuôi tất cả đều phụ thuộc vào sự điều phối của thị trường, thị trường nào có nhu cầu thì các doanh nghiệp đáp ứng. Nói đâu xa, nếu sản phẩm của chúng ta tốt thì ngay cả thị trường trong nước cũng đang là thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, nên chúng ta hoàn toàn tự tin là có thể đáp ứng được mọi nhu cầu xuất khẩu của tất cả các thị trường”, ông Trọng nói.
 
Ở nhiều quốc gia, người dân chỉ ăn ức gà nên đùi gà nhập khẩu có giá rất rẻ. Ảnh minh họa: I.T
Ông Trọng cho biết, định hướng chiến lược chăn nuôi năm 2020 là tất cả các mô hình chăn nuôi phải vào khuôn khổ, phải làm theo chuỗi, phục vụ cho mọi đối tượng. Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi cũng phải đi theo xu hướng của thế giới, hiện thị phần của thịt lợn vẫn chiếm khá cao, do đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để giảm thị phần thịt lợn xuống theo lộ trình, cố gắng đến năm 2030 thịt lợn giảm xuống dưới 60%, thịt gia cầm tăng khoảng 28%.
Muốn như vậy, theo ông Trọng, chúng ta phải thay đổi tập quán, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ thịt. “Theo tôi, muốn làm được điều này phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người tiêu dùng hiểu rõ giá trị dinh dưỡng từ thịt gia cầm, tăng cường sơ chế, chế biến, hướng dẫn làm nhiều món ăn khác nhau từ thịt, trứng gia cầm”, ông Trọng nói.
Hiện nay, ở Bắc Giang đã có nhiều loại gà chất lượng phục vụ thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng như gà phục vụ đám cưới, gà, vịt phục vụ bữa ăn hàng ngày, hay gà thắp hương ngày lễ, tết… Chúng ta hiện có trên 50 dòng gà nội có chất lượng tốt như gà Tiên Yên, gà Ri, gà mía Sơn Tây…
Tuy nhiên, các loại gà này vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, năm 2018, Bộ NNPTNT đã triển khai đề tài chọn, tạo ra gà chất lượng cao cấp Bộ. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chọn, tạo nghiên cứu đưa gà ngoại về lai tạo với gà nội để tạo ra từ 6- 8 dòng gà có chất lượng cao phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng.
Trong đó, có loại gà trọng lượng bình quân chỉ trên dưới 1,5kg/con, hoặc gà to hơn trên 3-4kg/con, đảm bảo phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân tiêu dùng cả nước.
Đơn cử như Công ty sản xuất giống gà Minh Dư, một doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi gà lớn ở Việt Nam, trung bình 1 năm doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường 60 triệu con gà. Hiện, công suất sản xuất đã được nâng cấp lên 100 triệu con và xuất khẩu ra nhiều thị trường Đông Nam Á. Đặc biệt, các loại gà của doanh nghiệp này đều được nghiên cứu, chọn tạo ra các dòng gà rất phù hợp với thị hiếu của các tỉnh, vùng miền Bắc – Trung – Nam.
Thiên Hương (Dân Việt)